Nhà sáng chế Việt chưa quan tâm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

15:39, 24/04/2016

Mỗi năm, Việt Nam có rất nhiều sáng chế, sáng kiến từ các nhà khoa học và nhà sáng chế không chuyên, tuy nhiên phần lớn trong số họ chưa thực sự quan tâm đến vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho “những đứa con tinh thần” của mình. Trong khi đó, việc đăng ký này là phương tiện hữu hiệu để bảo vệ thành quả sáng tạo và giúp các nhà sáng chế giải quyết những rắc rối phát sinh trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

* Chưa quan tâm đăng ký bảo hộ

 

Những năm gần đây, số lượng đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Nếu như giai đoạn 1990 – 2000, số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam mỗi năm chỉ khoảng vài chục đơn, đến giai đoạn 2000 - 2005 số đơn đăng ký đã tăng lên con số hàng trăm (trung bình từ 100 - 300 đơn/năm) và giai đoạn từ năm 2005 đến nay, số đơn đăng ký đã tăng lên gấp đôi (từ 300 – 600 đơn/năm). So với đơn đăng ký sáng chế của nước ngoài vào Việt Nam thì lượng đơn đăng ký của các chủ thể là người Việt Nam còn chiếm tỉ lệ rất thấp (khoảng 20%).

 

Theo bà Hoàng Tố Như, Phó Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên nhân chủ yếu do các chủ thể tại Việt Nam chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều doanh nghiệp chưa biết tạo lợi thế cạnh tranh bằng công nghệ so với các chủ thể kinh doanh nước ngoài. Mặt khác, do tâm lý sợ mất bản quyền khi bộc lộ các thông tin bí mật nên nhiều người không chọn cách đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích mà chọn cách bảo hộ khác như bảo hộ bí mật kinh doanh.

 

Thành phố Hồ Chí Minh vốn được xem là trung tâm khoa học công nghệ của khu vực phía Nam cũng như cả nước. Hàng năm, rất nhiều sáng chế, giải pháp hữu ích được tạo ra, trong đó rất nhiều giải pháp hay từ các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật. Hiện số đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích tại thành phố vẫn tăng đều mỗi năm, như giai đoạn 2006 – 2010 thành phố có trung bình 119 đơn đăng ký/năm; giai đoạn 2011 – 2015 tăng lên khoảng 205 đơn/năm. Riêng năm 2015, thành phố có khoảng 230 đơn đăng ký, nhưng đây vẫn là con số khá khiêm tốn so với thực tế. Trong đó, nhiều nhà sáng tạo cũng cho rằng, việc đăng ký một sáng chế rất mất thời gian, tiền bạc, nhưng hiệu quả của việc bảo hộ còn chưa cao, hoặc thủ tục rườm rà nên ngại đăng ký.

 

Về vấn đề này, bà Hoàng Tố Như cho rằng, cái khó khăn mà các nhà sáng chế thường gặp không phải do thủ tục hành chính mà là do các nhà sáng chế chưa biết cách thiết lập bản mô tả sáng chế, giải pháp hữu ích khi đăng ký. Theo quy định của pháp luật thì bản mô tả sáng chế, giải pháp hữu ích không phải chỉ cần đáp ứng về nội dung mà còn phải đáp ứng cả về hình thức, nhưng nhiều nhà sáng chế khi thiết lập bản mô tả lại chưa tuân thủ đầy đủ quy định này nên phải sửa đi sửa lại bản mô tả. N hiều nhà sáng chế không muốn bộc lộ bí quyết của mình nên chỉ mô tả chung chung, không cụ thể, nên không được chấp nhận dẫn đến thời gian đăng ký bị kéo dài.

 

Đam mê sáng tạo từ khi còn là học sinh, Nguyễn Nam Du, sinh viên Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, cùng bạn là Trần Thị Diệu Liên, Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã sáng tạo ra giải pháp “Bảng hiện chữ nổi điện tử dành cho người khiếm thị”, giành nhiều giải thưởng về khoa học trong nước và quốc tế nhiều năm nay. Bên cạnh đó, Nguyễn Nam Du còn sáng tạo ra các giải pháp về đèn cảm biến tự động, giúp tiết kiệm năng lượng, giẻ lau bảng thông minh… Tuy nhiên, việc đăng ký bảo hộ cho các giải pháp này vẫn chưa được quan tâm.

 

Theo Nguyễn Nam Du: "Do muốn hoàn thiện hơn cho sản phẩm, đồng thời còn phải đi học nên chúng tôi chưa đăng ký bảo hộ sản phẩm. Bên cạnh đó, vẫn còn quan niệm cho rằng vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa quan trọng và việc đăng ký ở nước ta còn phức tạp nên cũng ít quan tâm. Nhưng thời gian tới, khi hội nhập sâu rộng với quốc tế, chúng tôi sẽ chú ý để bảo vệ quyền lợi của mình”.

 

* Đăng ký để bảo vệ thành quả của mình

 

Với giải pháp hữu ích khi cải tạo hệ thống lạnh thực phẩm từ hệ hở sang hệ kín, kỹ sư Nguyễn Hoài Bắc (Trưởng phòng Kỹ thuật Siêu thị Big C Gò Vấp) đã giúp đơn vị mỗi tháng tiết kiệm được 50 triệu đồng tiền điện cho dàn tủ âm. Chi phí bỏ ra ban đầu chỉ 300 triệu đồng, sau 6 tháng có thể thu hồi số vốn trên là một lợi ích rất lớn. Đây là giải pháp đã đạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2014. Bên cạnh đó, kỹ sư Nguyễn Hoài Bắc cũng đưa ra nhiều giải pháp khác, giúp tiết kiệm rất nhiều điện năng cho đơn vị. Tuy nhiên, tất cả những giải pháp trên đều chưa được quan tâm đăng ký bảo hộ, dù chỉ là trong ý tưởng của tác giả.

 

Kỹ sư Nguyễn Hoài Bắc chia sẻ: Tôi chưa nghĩ đến việc đăng ký bảo hộ cho sáng tạo của mình. Từ trước đến nay, tôi chỉ nghĩ đơn giản là thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình để mang lại lợi ích cho đơn vị, mà không hề nghĩ xa xôi như đăng ký để bảo vệ những sản phẩm do mình sáng tạo ra. Thời gian tới, tôi sẽ tìm hiểu thủ tục để xem đăng ký các giải pháp của mình như thế nào cho phù hợp.

 

Bên cạnh đó, nhiều người không biết sản phẩm của mình có phải là sáng chế, giải pháp hữu ích hay không nên không dám làm thủ tục đăng ký bảo hộ. Bà Hoàng Tố Như cho rằng, việc đăng ký là rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Khi tiến hành làm thủ tục đăng ký, cá nhân hoặc doanh nghiệp sẽ bảo vệ được thành quả của mình hoặc thông qua đó biết được sản phẩm này đã có người đăng ký bảo hộ trước đó. Điều này sẽ giúp các nhà sáng tạo, doanh nghiệp biết và tránh được các vi phạm về sở hữu trí tuệ và tránh được những rủi ro khi khai thác thương mại. Nếu sợ bị lộ các bí quyết kỹ thuật khi đăng ký bảo hộ dưới góc độ sáng chế, các nhà sáng tạo và doanh nghiệp có thể chọn hình thức bảo vệ dưới góc độ “Bí mật kinh doanh”.

 

Hiện thủ tục đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích rất đơn giản, hồ sơ đăng ký chỉ cần tờ khai (theo mẫu), bản mô tả và tài liệu xin hưởng quyền ưu tiên. Theo bà Hoàng Tố Như, nếu gặp khó khăn, các nhà sáng chế, nhất là các nhà sáng chế không chuyên, nên tìm đến các chuyên gia về sở hữu trí tuệ đang làm việc tại cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ tại các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương hoặc các đơn vị dịch vụ về sở hữu trí tuệ để được trợ giúp. Đơn cử, Phòng Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) đã hỗ trợ, hướng dẫn rất nhiều nhà sáng chế khu vực phía Nam đăng ký thành công nhiều bằng sáng chế, giải pháp hữu ích.

 

Việc không đăng ký bảo hộ hoặc không lựa chọn hình thức bảo hộ khác, các nhà sáng chế sẽ gặp rất nhiều rủi do trong quá trình khai thác thương mại. Chẳng những họ không bảo vệ được quyền của mình mà rất nhiều chủ thể đã bị khiếu kiện ngược lại khi tài sản trí tuệ của họ bị người khác chiếm đoạt đi đăng ký trước. Các chuyên gia đều khuyến cáo, cần phải đăng ký bảo hộ để bảo vệ chính mình, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay./.