Biển không tự nhiên sinh ra tảo mà do một hiện tượng nào đó từ đất liền thải ra, tạo nên chất độc. Theo đó, các chất thải trong đất liền đưa vào môi trường biển khiến tảo phát triển. Đây là một chất ô nhiễm quá mức, hủy hoại môi trường nước, khiến cá chết hàng loạt.
Liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung, tối 27/4, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Họp báo công bố nguyên nhân của vụ việc này.
Theo đó, Bộ này công bố 2 nguyên nhân chính là: "Do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền, trên biển" và "Do hiện tượng dị thường của thiên nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa, thủy triều đỏ như đã xảy ra ở nhiều nước".
Dù Bộ TN&MT đưa ra hai nhóm nguyên nhân trên và dùng từ "có thể" gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, kết luận trên vẫn chưa khiến dư luận và các nhà khoa học tâm đắc.
Câu hỏi được đặt ra là: Thủy triều đỏ là gì và vì sao lại bùng nổ số lượng tảo – thủy triều đỏ nhiều như vậy, khiến cá chết hàng loạt?
Theo nhận định của các chuyên gia, "thủy triều đỏ" hay sự "nở hoa" của tảo là cách gọi để chỉ hiện tượng bùng nổ về số lượng của tảo biển. Sự "nở hoa" của tảo có khi làm nước biển màu đỏ, có khi màu xanh, màu xám hoặc như màu cám gạo... Hiện tượng "nở hoa" thường đồng hành với sự ô nhiễm, làm giảm thiểu nhanh chóng hàm lượng ôxy trong nước, và đó chính là nguyên nhân làm chết nhiều loài sinh vật biển trong tự nhiên và nuôi trồng.
Về mức độ nguy hại, có thể thấy, thủy triều đỏ tấn công và làm tổn thương hàng loạt đối với động vật biển giáp xác và thân mềm. Cơ chế nhóm tảo đơn bào hai roi (dinoflagellates) sinh ra những đợt thủy triều đỏ có thể là một cơ chế phòng thủ được triển khai xuất phát từ những thay đổi của các dòng hải lưu như thay đổi nhiệt độ hay trạng thái quá tải của môi trường.
Trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng ngày 28/4, TS Nguyễn Viết Vĩnh - chuyên gia về lĩnh vực thủy sản cho rằng, nguyên nhân bùng nổ số lượng tảo – thủy triều đỏ nhiều như vậy một phần là do lượng lớn chất thải chảy vào, trong đó có nhiều chất độc làm bùng phát thủy triều đỏ.
Cũng theo TS. Nguyễn Viết Vĩnh, khu vực này có một dòng hải lưu, nước xả thải và chất độc theo dòng hải lưu sẽ đưa vào khiến dòng nước bị hủy hoại. Bởi vậy, để xác định chính xác nguyên nhân bùng phát thủy triều đỏ cần phải thu thập mẫu, lấy số liệu phân tích nước ở khu vực này.
Đồng quan điểm trên TS Bùi Quang Tề, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực thủy sản cũng cho rằng, hiện tượng tôm, cá chết vừa qua không phải do bị bệnh mà do một chất độc. Điều này ai cũng biết.
Theo TS. Bùi Quang Tề, nguyên nhân bùng nổ số lượng tảo là do ô nhiễm môi trường, ô nhiễm chất hữu cơ. Điều này có thể khẳng định, các chất thải trong đất liền đưa ra môi trường biển khiến tảo phát triển. Đây là một chất ô nhiễm quá mức, hủy hoại môi trường nước.
TS. Bùi Quang Tề cũng nhận định, tất cả chỉ tiêu trong biển là một hằng số không tăng cũng không giảm nên ít khi có khả năng tảo ở đâu vào. Biển cũng không tự nhiên sinh ra tảo mà phải do một hiện tượng nào đó từ đất liền thải ra, tạo nên ô nhiễm, tạo ra chất độc. Điều này cũng được thế giới khẳng định.
“Trong thời điểm này, trách nhiệm của cơ quan quản lý là quan trọng hơn bao giờ hết. Cần phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra chất thải từ đâu phát ra, mức độ ô nhiễm của nó khi vào môi trường nước như thế nào, khiến cá chết hàng loạt?”, TS Bùi Quang Tề cho biết.
Theo TS. Vũ Thanh Ca - Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cá chết xuất hiện ở Đà Nẵng có thể do dòng hải lưu mang vào.
TS. Vũ Thanh Ca cho biết, từ ngày 18/4, khi gió mùa đông bắc về, dòng hải lưu chảy theo hướng từ bắc vào nam với tốc độ khá nhanh, có thời gian lên tới 1m/s, trung bình từ 0,6-0,8m/s. Vì thế, cá chết ở khu vực Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị…có thể theo dòng hải lưu về phía nam, đến Đà Nẵng.
Ở một góc nhìn khác, một chuyên gia kinh nghiệm lâu năm trong nghiên cứu thủy sản lại cho rằng, hiện tượng tảo nở hoa thường làm chết cá tầng mặt, dễ phát hiện bằng mắt thường trong khi ở miền Trung, cá lại chết ở tầng đáy, không có biểu hiện rõ ràng.
Theo vị chuyên gia này, nếu do tác động của độc tố hóa học khiến cá to chết nghĩa là cá nhỏ cũng vậy, trong đó có sinh vật phù du, tức là tảo cũng sẽ chết. Hiện tượng này đúng ra gây hại với cá tầng mặt chứ không phải tầng đáy.
Ông cũng khẳng định, nếu tảo nở hoa, nước sẽ có màu đỏ rực hoặc màu xanh chủ đạo trên cả vùng biển. Khi dạt vào bờ, nó sẽ gây mùi hôi thối khó chịu, trong khi các biểu hiện này không có ở khu vực ven biển miền Trung.
Do vậy, ở đây cần phải làm rõ xem, thủy triều đỏ đã xuất hiện và đã gây ra độc tố, khiến các loài cá tầng đáy chết như thế nào?.
Vị chuyên gia này cũng nhìn nhận, việc sinh vật tự nhiên, hệ sinh thái bị tác động hủy diệt hàng loạt như vậy có nguyên nhân chất lượng môi trường biển thay đổi./.