Báo động thói quen lạm dụng rượu bia

08:34, 27/05/2016

Với 3,4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu được người Việt tiêu thụ trong năm 2015, Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu khu vực Đông - Nam Á và xếp thứ 25 thế giới về tiêu thụ rượu bia. Thực trạng này đang đặt ra nhiều vấn đề "nóng", đáng báo động,...

Tiêu thụ tăng vọt

 

Theo báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) trong 10 năm qua, lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng, trong khi đó ở Việt Nam lại tăng trưởng theo chiều thẳng đứng. Thống kê cho thấy, năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, tăng 10% so với năm trước và tăng gần 41% so với năm 2010. Đó là chưa kể một lượng lớn bia nhập khẩu không thống kê được. Và chỉ tính riêng bốn tháng năm nay, sản lượng bia cả nước đã "cán mốc" một tỷ lít. Con số khủng khiếp này cho thấy, trung bình mỗi người Việt uống 38 lít bia/năm, gấp hơn bốn lần mức trung bình trên toàn thế giới. Theo ước tính đến năm 2020, sản lượng bia của nước ta sẽ đạt hơn bốn tỷ lít/năm, tính ra bình quân mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 60 - 70 lít bia/năm. Những năm gần đây, lượng tiêu thụ đồ uống có cồn - cụ thể là bia - của Việt Nam tăng nhanh vào bậc nhất thế giới.

 

Sự tăng trưởng "đáng nể" này của người tiêu dùng Việt Nam đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư tham gia vào thị trường bia Việt Nam với hơn 30 thương hiệu bia trong nước và quốc tế. Ngoài 400 cơ sở sản xuất bia đang hoạt động, vẫn có nhiều nhà máy bia tiếp tục mọc lên. Cùng với đó, rất nhiều hãng bia ngoại cũng chen nhau đưa hàng vào bán tại Việt Nam. Tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ,... bia ngoại nhập được bày bán khá phổ biến.

 

Nhiều thương hiệu bia nhập khẩu như Corona, Budweiser, Erdinger, Bit Burger, Cooper,... xuất xứ Mê-hi-cô, Đức, Bỉ, Hà Lan,... đã trở nên quen thuộc với nhiều người, cho dù giá các loại bia này cao gấp 2 - 3 lần so với bia sản xuất trong nước.

 

Theo đánh giá của TS kinh tế Ngô Trí Long, sự tăng trưởng nóng của ngành sản xuất bia sẽ đem lại cả hai mặt: lợi ích và thiệt hại cho nền kinh tế cũng như đời sống xã hội. Dù cho ngành bia có đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng rõ ràng đây không phải ngành công nghiệp đem lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước. Việt Nam mặc dù sản xuất và tiêu thụ bia vào loại "khủng", song bia Việt Nam lại không có tiếng tăm gì trên thị trường quốc tế. Các quốc gia nổi tiếng về bia như Đức, Bỉ, Hà Lan, CH Séc... đều dành ra một sản lượng khá lớn để xuất khẩu. Trong khi đó, sản lượng 3,4 tỷ lít bia/năm của Việt Nam được sản xuất ra không thể xuất khẩu, chỉ tập trung phục vụ nhu cầu trong nước...

 

Nhiều hệ lụy

 

Thói xấu sa đà vào "nhậu nhẹt" quá nhiều, từ cán bộ, công chức tới người lao động phổ thông, đã khiến năng suất lao động của người Việt Nam suy giảm. Chưa tới bốn giờ chiều, nhiều công chức đã tranh thủ bớt xén giờ giấc lao động, hẹn hò tụ tập ở quán bia. Đồ uống có cồn là một trong những nguyên nhân gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay. Nghiêm trọng hơn, khoảng 20% các trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở Việt Nam có nguyên nhân sử dụng đồ uống có cồn. Ngoài ra, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và trật tự xã hội, hạnh phúc gia đình,... đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại. Nhiều vụ bạo lực gia đình đáng tiếc xuất phát từ việc sử dụng rượu bia. Nguy cơ lâu dài, việc lạm dụng bia rượu còn phát sinh nhiều loại bệnh tật, giảm tuổi thọ. Theo cảnh báo của Bộ Y tế, mức độ tiêu thụ bia rượu của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây tăng gấp hai lần, tỷ lệ tiêu thụ bia rượu của Việt Nam hiện nằm trong số 25 quốc gia cao nhất thế giới. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đồ uống có cồn là một trong năm nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong trên thế giới. Đồ uống có cồn còn là nguyên nhân của 5,1% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, trở thành vấn đề lớn của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

 

Không biết tự bao giờ, thói quen lạm dụng bia rượu đã dần tiêm nhiễm đến cả những người trẻ. Vui uống, buồn uống, uống với đủ mọi lý do, nhiều người coi đó là một nét "văn hóa" của người Việt. Nhưng phía sau đặc trưng "văn hóa" kỳ cục ấy là những hệ lụy nặng nề mà bia rượu đã và đang gây ra cho xã hội. Với lượng bia rượu sử dụng như nêu trên, đồng nghĩa việc người dân Việt Nam đang tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD mỗi năm cho việc uống bia rượu. Con số này ngang bằng kim ngạch xuất khẩu gạo một năm của cả nước. So với các nước trong khu vực như Thái-lan, Xin-ga-po,... GDP bình quân đầu người nước ta thấp hơn nhiều nhưng mức tiêu thụ bia cao hơn hẳn. Chỉ so ở khu vực Đông - Nam Á, nước ta chỉ đứng thứ 8 về kinh tế, nhưng lại dẫn đầu về tăng trưởng ngành rượu bia. Là một đất nước nghèo, năng suất lao động còn thấp, "thành tích" về bia rượu đáng để mỗi người trong chúng ta phải suy nghĩ.

 

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 244/QĐ-TTg về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy, nạn lạm dụng bia rượu không hề giảm, số lượng người uống bia tăng đều qua từng năm, chủ yếu là lớp trẻ mới lớn.

 

Hiện tại, để hạn chế nạn bia rượu, chúng ta cần xây dựng một chiến lược đồng bộ, truyền thông tích cực những vấn đề liên quan đến rượu bia, giống như từng làm với thuốc lá trong thời gian gần đây và đã có thành công bước đầu đáng kể. Trước mắt, mỗi người cần nâng cao ý thức bản thân, điều chỉnh việc sử dụng rượu bia sao cho có chừng mực. Cùng với đó, đối với mặt hàng rượu bia, từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, áp dụng chính sách thuế chặt chẽ, phù hợp để hạn chế sử dụng đối với người dân, hạn chế nạn buôn lậu bia rượu,...