Hiện nay, nước ta có hàng chục dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT (đầu tư-kinh doanh-chuyển giao) với số tiền đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Các dự án BOT đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông của Việt Nam, nhưng cũng có ý kiến cho rằng mức phí của nhiều trạm BOT đang ở mức cao so với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
Mức phí BOT hiện nay có cao và giải pháp gì trong thời gian tới để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp cũng như giảm áp lực cho nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh hàng hóa? Câu trả lời đã được các vị khách mời đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Minh bạch thu phí dự án BOT giao thông ” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/5.
* Phí chồng phí
Theo quy hoạch, ngành giao thông vận tải sẽ đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường cao tốc, trong đó cơ bản nối thông cao tốc Bắc – Nam. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, đến nay cả nước đã hoàn thành 746 km đường cao tốc, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Quá trình đầu tư số km đường cao tốc này đã sử dụng nhiều nguồn vốn, trong đó ngân sách 110.000 tỷ đồng, ngoài ngân sách 60.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư ngoài ngân sách sử dụng nhiều phương án, trong đó chủ yếu là vốn đầu tư BOT. Phương thức đầu tư này đang đóng góp tích cực cho sự phát triển hạ tầng của đất nước và cũng là hình thức đang được nhiều nước áp dụng. Trong quá trình xây dựng, nhà đầu tư dùng nguồn vốn của mình cùng vốn vay của các tổ chức tín dụng, thực hiện kinh doanh đến khi hoàn vốn bàn giao cho nhà nước. Nhà nước phải bỏ ra lượng tiền ít. Thông qua xã hội hóa và thu phí nhiều năm để hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Nhìn nhận từ phương diện là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ những con đường cao tốc, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng đi đường cao tốc êm thuận hơn, an toàn hơn, hiệu quả kinh tế - xã hội cao, người dân và doanh nghiệp rất hài lòng khi có đường cao tốc. Đầu tư xây dựng đường cao tốc là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, việc thực thi của Bộ Giao thông vận tải đã mang lại hiệu quả cao. Doanh nghiệp vận tải cũng nhận thấy rằng hoàn phí cho nhà đầu tư là đúng pháp luật. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là hiệu quả thực tế của đường cao tốc đối với kinh doanh vận tải, khi phí chồng phí, vừa đóng phí trên đầu phương tiện, vừa đóng phí BOT, nên phí vận tải cao lên.
Ông Liên đưa ra ví dụ cụ thể về một xe khách 42 chỗ giường nằm chạy tuyến bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) – Bến Thủy (Nghệ An) một tháng hết 24,5 triệu đồng phí (cả lượt đi và về), chưa kể phí vận tải, xuất bến trong khi xe xuất bến chỉ 5-7 hành khách. Việc đặt mức phí thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước nhưng so sánh với tác động của thu phí với giá thành vận tải là không phù hợp, Bộ Giao thông vận tải có cách gì giúp doanh nghiệp? Chủ trương là đúng nhưng dồn nén vào ngành vận tải; doanh nghiệp thấy đóng phí là đúng, sử dụng đường cao tốc là tốt hơn nhưng đóng đến mức nào, đóng đến bao giờ? ông Bùi Danh Liên đặt vấn đề.
Theo ông Liên, phí đường cao tốc đang vượt quá sức mua của người dân, chưa phù hợp. Thời gian tới, khi tiến hành đầu tư đường cao tốc phải tính toán đến hiệu quả, dựa vào khả năng thực tế và đầu tư phải có lộ trình, tuyến nào chưa cần thiết nên giãn ra, chỉ mở rộng nâng cấp, không phải cố gắng bằng mọi cách để đến năm 2020 có được 2.000 km đường cao tốc. Cũng theo ông Bùi Danh Liên, đầu tư BOT nói chung, các công trình giao thông nói riêng nên công khai minh bạch cho người dân. Cơ quan nhà nước đại diện cho người dân thu tiền của dân trả cho nhà đầu tư BOT nên cần công khai minh bạch ngay từ đầu. Sở dĩ ông Liên đề cập đến vấn đề này là vì ông nhận thấy trong hợp đồng BOT có điều khoản “bảo mật”. “Hợp đồng một bên là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký, một bên là doanh nghiệp ký, bên ngoài không đóng dấu mật, tại sao lại có điều bảo mật” – ông Liên băn khoăn. Ông Liên cho rằng việc không được cung cấp thông tin kinh tế, kỹ thuật cho bất cứ một người nào ngoài lãnh đạo công ty và các chuyên gia nên mới nảy sinh vấn đề các nhà đầu tư trong cùng một công ty nghi ngờ, kiện cáo nhau. Toàn bộ hợp đồng đều hướng đến bảo vệ nhà đầu tư, rủi ro lùi thời gian, mật độ phương tiện ít cũng lùi thời gian nhưng rủi ro của người dân, của xã hội lại không được tính đến.
* Cơ sở khoa học tính mức phí
Lý giải về cơ sở để đưa ra mức phí cho các dự án BOT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết khi xây dựng một dự án BOT, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát kỹ lưỡng từ khâu lập dự án, lựa chọn tuyến đường, quá trình để hình thành dự án, đặc biệt là phương án tài chính. Bộ cũng xin ý kiến nhiều cơ quan, chính quyền địa phương sở tại trước khi thực hiện dự án. Trong phương án tài chính, các dự án BOT hình thành từ 2 nguồn vốn: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (chiếm từ 15% - 20%) và 80% huy động từ các tổ chức tín dụng. Khi thực hiện các dự án đều vay thương mại nên phương án tài chính nếu tính toán cân đối được, các dự án BOT phải mất ít nhất là 15 năm, nhiều nhất là 20 năm để hoàn vốn.
Bộ đã đưa ra mức phí dựa trên cân đối giữa thu nhập của người dân và cân đối trong khu vực. Đây là bài toán khoa học có tính đến yếu tố của doanh nghiệp, yếu tố thu nhập của người dân và lãi suất ngân hàng. Việc tính toán đưa ra mức phí là có cơ sở khoa học – Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Nói về hiện tượng các trạm thu phí tăng phí đồng loạt vừa qua, Thứ trưởng cho biết theo phương án tài chính, 3 năm xem xét điều chỉnh giá vé một lần. Mức giá được xây dựng từ năm 2011 – 2012 và nay đến thời điểm xem xét điều chỉnh. Bộ Giao thông vận tải cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính đưa ra lộ trình tăng phí hợp lý, có văn bản gửi các nhà đầu tư BOT cao tốc xem xét việc tăng phí đó để thu hút lượng xe vào tuyến cao tốc thay vì tăng phí mà không có xe vào, tổng thu nhập sẽ thấp hơn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các xe vận tải lớn như container 20 feet, 40 feet, các loại xe chở hàng cồng kềnh. Hiện hầu hết các nhà đầu tư đã giảm phí với xe lớn.
Phản hồi ý kiến của ông Bùi Danh Liên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng đối với mỗi dự án BOT, Bộ Giao thông vận tải quản lý như một dự án ngân sách, từ khâu lập dự án đến thiết kế, dự toán đều thông qua Cục quản lý xây dựng (Bộ Giao thông vận tải). Đơn giá định mức cũng như toàn bộ chất lượng thi công đều có tư vấn giám sát của Bộ và các Ban quản lý dự án để theo dõi. Các dự án BOT cũng như dự án ngân sách được quản lý như nhau.
Về phía Bộ Tài chính, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho hay Bộ này đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đánh giá tình hình, đảm bảo quyền lợi thu hồi vốn của nhà đầu tư. Mức phí đã đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư, quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích của nhà nước.
Nêu quan điểm về việc điều chỉnh phí BOT, kéo dài thời gian thu phí để giảm áp lực lên doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ vẫn yêu cầu chủ đầu tư BOT tiếp tục giảm phí, thu hút xe vào lưu thông trên các tuyến cao tốc để thúc đẩy phát triển kinh tế. Bộ cũng tiến hành rà soát lại các trạm thu phí, rà soát lại mức thu, xem xét nhập các trạm thu phí với nhau để giảm bớt số lượng trạm nhưng vẫn đảm bảo hài hòa ba lợi ích, giảm phí cho các phương tiện vận tải lớn, tiến hành thu tự động, tiến tới năm 2020 giảm chi phí thu, tăng hiệu quả dự án.
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, việc xem xét giảm phí cần đánh giá tổng thể cả về khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư, khả năng trả nợ ngân hàng của dự án và giảm chi phí cho các doanh nghiệp vận tải. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Giao thông vận tải rà soát tất cả các dự án BOT về mức phí, thời hạn thu phí và số lượng trạm, trên cơ sở đó đưa ra phương án cụ thể hơn, phù hợp với thực tế trước khi xin ý kiến của các địa phương, bộ, ngành và Chính phủ.
Nói về việc cổ đông của dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ “tố” nhà đầu tư dự án này chưa minh bạch trong thu phí, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết việc thu phí được thực hiện theo công nghệ hiện đại, một dừng, cuối ngày đều biết số tiền của trạm đó thu về và ứng với đó là bao nhiêu xe nên không có sự sai sót, không minh bạch trong việc thu phí. Báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy nhà đầu tư thực hiện đúng quy trình, thu chính xác, minh bạch và rõ ràng, các cơ quan độc lập khác có thể kiểm tra và đối chiếu./.