Theo Tổng thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc, hầu hết các tỉnh, thành phố đã kết thúc cuộc bầu cử. Tính đến 22 giờ 20 phút ngày 22/5, cả nước đã có 98,77% tổng số cử tri đi bỏ phiếu.
* Thừa Thiên- Huế và Yên Bái đạt cao nhất là 99,99%
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhìn chung tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu rất cao trên 90%. Trong đó, hai tỉnh đạt cao nhất là 99,99% gồm Thừa Thiên- Huế và Yên Bái. Các tỉnh Hòa Bình đạt 99,98%; Quảng Nam và Bến Tre 99,97%; Lai Châu 99,96%; Hậu Giang 99,95%; Bắc Ninh 99,91%; Đắc Lắc 99,90%; Lạng Sơn 99,84%; Ninh Thuận 99,8%; Tiền Giang 99,76%; Phú Yên 99,73%; Tuyên Quang 99,74%; Sóc Trăng 99,69%; Khánh Hòa 99,67%; Quảng Ninh 99,66%; Cao Bằng 99,65%; Thái Nguyên và Đắc Nông 99,60%; Phú Thọ 99,57%; Vĩnh Long 99,53%; Thanh Hóa 99,52%; Quảng Trị và Nam Định 99,5%. Hầu hết các tổ bầu cử đã tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu đúng theo quy định.
Trao đổi với báo chí, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Tính đến thời điểm này, cuộc bầu cử đã diễn ra an toàn tuyệt đối. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc mở hòm phiếu và việc kiểm phiếu, đếm phiếu đều có sự giám sát của cử tri, báo chí… rất công khai, minh bạch, rõ ràng. Đây chính là điểm mới trong thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Đối với công tác bầu cử trong các trại tạm giam, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc bầu cử đã được thực hiện tốt, người bị tạm giam được tham gia bỏ phiếu và bảo đảm an toàn tuyệt đối.
* Sẽ tổng kết, đánh giá toàn diện về cuộc bầu cử
Đánh giá sơ bộ về công tác bầu cử trong ngày 22/5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, để đánh giá toàn diện, thấu đáo về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cần tổng kết mới có thể đánh giá đầy đủ và báo cáo trước Quốc hội. Tuy nhiên, qua tổng kết ban đầu của Ủy ban bầu cử các địa phương, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ điểm mới cuộc bầu cử lần này là công tác hướng dẫn, chỉ đạo rất nhanh, kịp thời của các cấp. Đặc biệt, ngoài các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Văn phòng Bầu cử quốc gia, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quyển Hỏi - Đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, nhiều văn bản hướng dẫn đã được gửi đến các địa phương. Tất cả các tài liệu này đã bao quát tất cả các vấn đề mà địa phương còn thấy vướng mắc. Như vậy, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có những hướng dẫn rất kịp thời, sát sao. Cùng với đó, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã được quán triệt, triển khai tới các vị làm công tác bầu cử. Trong đó, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã có những điểm rất đổi mới như: Thời gian bầu cử không bó hẹp, bắt buộc từ 7 giờ đến 19 giờ cùng ngày mà cho phép "kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 giờ cùng ngày". Điều này tạo điều kiện thoải mái cho người dân khi đi bỏ phiếu. Mặt khác, Luật quy định: Sau khi kết thúc bỏ phiếu, đồng loạt mở hòm phiếu, nhiều địa phương, đơn vị đã hoàn thành việc bỏ phiếu 100% nhưng không được mở hòm phiếu sớm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đã thực hiện khá tốt, nhất là tuyên truyền Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, nhiều nơi đã thực hiện công tác bầu cử rất sáng tạo như: Hậu Giang có cả một bản đồ chấm các điểm bầu cử, việc này tạo thuận lợi cho việc nắm tình hình, chỉ đạo công tác bầu cử trong toàn tỉnh. Thành phố Hà Nội đã sáng tạo in bản trích ngang tiểu sử của ứng cử viên bốn cấp gửi đến từng gia đình để người dân có điều kiện tìm hiểu, trao đổi, thảo luận về những ứng cử viên mình tin tưởng. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đây là điều rất tốt, giúp cuộc bầu cử đảm bảo đúng tiến độ. Ngoài ra, Luật quy định không được bỏ phiếu hộ và tinh thần đó đã được quán triệt rất tốt đến quần chúng... /.