Lạng Sơn: Bệnh quai bị bùng phát do thiếu vắc xin

08:31, 08/05/2016

Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay có hơn 600 ca mắc quai bị, cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, thời gian cao điểm nhất vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 với gần 300 trường hợp. Tuy nhiên, việc phòng ngừa và chữa trị bệnh quai bị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do thiếu vắc xin phòng bệnh.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ nhiều năm nay, các điểm được phép tiêm vắc xin thuộc dịch vụ công trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêm phòng 10 loại vắc xin miễn phí theo quy định, do đó, các loại vắc xin như: quai bị, sốt xuất huyết, dại… phải tự túc kinh phí nhập về theo nhu cầu người dân. Tại Lạng Sơn, phần lớn dân cư nghèo, đa phần người dân chỉ tiêm vắc xin thuộc danh mục miễn phí nên đầu ra cho các loại vắc xin tự nhập rất hạn chế. Hiện tại, Trung tâm chỉ có thể ưu tiên mua vắc xin tiêm phòng dại do đây là loại bệnh thuộc nguy cơ tử vong cao, còn bệnh quai bị không có vắc xin phòng bệnh dự trữ nên bệnh bùng phát thời gian qua. Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có duy nhất một cơ sở ngoài công lập là Phòng khám đa khoa Phú Lộc có vắc xin phòng bệnh quai bị tuy nhiên số lượng không nhiều.

 

Bệnh quai bị không có thuốc điều trị đặc hiệu nên tiêm vắcxin là cách phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, vắc xin phòng quai bị chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng bắt buộc nên còn khá xa lạ với người dân. Đồng thời, một mũi vắc xin tiêm phòng giá khoảng 200.000 đồng cũng khiến nhiều người ngần ngại khi bỏ tiền tiêm, nhất là với một tỉnh miền núi như Lạng Sơn.

 

Dù số lượng bệnh nhân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bùng phát nhưng theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lạng Sơn, phần lớn bệnh nhân chủ động điều trị ở nhà và chỉ có khoảng 100 người nhập viện. Tất cả các bệnh nhân nhập viện đều được điều trị theo các triệu chứng sốt, bổ sung thêm vitamin, nước hoa quả để tăng cường miễn dịch cho cơ thể kháng lại vi rút gây bệnh. Bác sĩ chỉ can thiệp vào khi có những biểu hiện bệnh bất thường.

 

Do không có vắc xin tiêm phòng bệnh quai bị tại các trạm xá, trong khi để lên được thành phố Lạng Sơn và tìm đến cơ sở ngoài công lập thì đường đi lại quá xa và khó khăn, nhiều người dân tìm đến các bài thuốc nam hoặc các thầy cúng, bà then. Chị Liễu Minh Thương, thôn Còn Làng, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc cho biết: Trước đây khi đi tiêm phòng miễn phí cho con tôi cũng có hỏi về vắc xin tiêm phòng bệnh quai bị nhưng trạm y tế xã không có, hỏi nhiều nơi xem có bán loại vắc xin này nhưng cũng không ai biết, giờ cháu mắc bệnh quai bị mấy ngày nay nên phải tìm đến bà then trong làng cúng cho cháu khỏi.

 

Theo Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lạng Sơn, bệnh quai bị được xếp vào loại bệnh lưu hành, thường bùng phát vào chu kỳ mỗi 4 đến 5 năm một lần. Việc chữa trị bằng thuốc nam hay cúng bái chỉ có tác dụng tinh thần vì bệnh thường giảm và kết thúc sau vài ngày mắc. Trong tình hình khan hiếm vắc xin phòng bệnh quai bị hiện nay, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lạng Sơn đã đề ra nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát dịch bệnh như: tổ chức tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ y tế các tuyến từ huyện, xã đến tận các thôn bản về các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là quai bị; tăng cường khử trùng các trường học, nhất là các trường mầm non, tiểu học bằng hóa chất Cloramin B…; tăng cường truyền thông đến các bậc cha mẹ, thầy cô giáo về cách phòng chống bệnh quai bị…

 

Ông Hà Tuấn An, Trưởng trạm y tế xã Hồng Phong cho biết: Trạm đã tăng cường phát trên loa phóng thanh cách phòng chống các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là quai bị. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đến các trường học, tuyên truyền phòng tránh bệnh bằng cách sớm phát hiện và tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Trong tình hình thiếu vắc xin tiêm phòng như hiện nay, đây là những cách trực tiếp nhất để hạn chế sự lây lan bệnh trong dân./.