Ngày 20/6, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm “Vai trò của báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam trước những vấn đề mang tính thời sự” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo trong và ngoài Liên hiệp Hội. Hiện toàn hệ thống Liên hiệp Hội hiện có 101 cơ quan báo chí, hơn 400 ấn phẩm, có thế mạnh với một đội ngũ chuyên gia đông đảo.
Từ góc độ một nhà nghiên cứu xã hội học, Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Bích San, Tổng biên tập Tạp chí Nghe nhìn Việt Nam cho rằng báo chí đang thiếu phương pháp luận khoa học xã hội khiến bài báo chưa phản ánh đúng thực tế xã hội, mới chỉ theo cảm quan của người cầm bút trực tiếp. Liên hiệp Hội nên mở lớp đào tạo phương pháp luận khoa học xã hội cho người viết báo. Khi có thực tế xã hội nhà báo nên chọn góc độ, cách tiếp cận như thế nào cho phù hợp. Tuy vậy, cuối cùng vẫn phải tùy thuộc vào lương tâm, đạo đức người làm báo.
Báo chí Liên hiệp Hội là nơi có nhiều nhà khoa học, những vấn đề thời sự phải được đưa dưới góc độ chặt chẽ của người làm khoa học và quan tâm hơn đến những công trình khoa học nhằm tôn vinh những nhà khoa học và đưa công trình khoa học đến với đông đảo độc giả.
Tiến sĩ Ngô Đức Hành, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cầu đường Việt Nam cho rằng, mặc dù Tạp chí Cầu đường là một tạp chí chuyên ngành rất ít độc giả nhưng vẫn tồn tại đến nay đã được 23 năm, phản ánh những vấn đề khoa học kỹ thuật của đất nước. Báo chí Liên hiệp Hội nên mở diễn đàn để các nhà khoa học lên tiếng trước những vấn đề thời sự của đất nước vì thế mạnh của Liên hiệp Hội là tập hợp những chuyên gia đầu ngành về khoa học kỹ thuật.
Chia sẻ những kỷ niệm với báo chí, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 12 Nguyễn Minh Thuyết cho rằng độc giả hiện nay đang mong muốn có những thông tin nóng sốt, mắt thấy tai nghe, có chiều sâu văn hóa, các sự kiện, nhân vật được quan tâm trong và ngoài nước. Cách bày tỏ quan điểm trên các phương tiện truyền thông đại chúng phải rõ ràng, thẳng thắn, có chiều sâu, đa dạng trên các báo, trên cùng một báo...
Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam nhấn mạnh, càng với những vấn đề thời sự mà dự luận xã hội đang quan tâm thì vai trò định hướng của báo chí càng cần được thể hiện rõ. Trong cơ chế thị trường cạnh tranh gay gắt, quá trình tác nghiệp cũng đòi hỏi các nhà báo phải luôn trung thực, khách quan, phải có bản lĩnh chính trị rõ ràng, nhãn quan sắc bén, không nóng vội trước mọi vấn đề đặt ra. Càng lúc khó khăn, càng đòi hỏi các nhà báo trung thực, khách quan và mỗi nhà báo phải đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên hàng đầu.
Nhìn nhận sự việc từ vụ “Tài liệu Panama”, nhà báo Chân Luận, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thông qua vụ “Bom Panama”, những đòi hỏi và nhu cầu về sự minh bạch, về sự thật luôn thường trực đối với mỗi con người và người dân mỗi quốc gia. Nhiều nước đã thông qua Luật tiếp cận thông tin để người dân được tiếp cận với nguồn tài liệu của Nhà nước, trừ những thông tin mật liên quan đến an ninh quốc gia.
Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật tiếp cận thông tin là một thành công rất lớn cho việc thúc đẩy quá trình thực hiện minh bạch hóa ở Việt Nam. Bởi thế, đứng trước những vấn đề thời sự phát sinh, nhà báo không thể không vận dụng những quy định của pháp luật để chuyển tải được diễn biến của từng sự kiện, hiện tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Nhân dịp này, Liên hiệp Hội tặng Bằng khen cho 8 tập thể, 9 cá nhân đã có thành tích xuất sắc, góp phần phát triển báo chí Liên hiệp Hội trong năm 2015 - 2016./.