Kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên

09:43, 25/06/2016

Nhằm bảo vệ rừng Tây Nguyên, được ví như "nóc nhà Đông Dương", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa đưa ra chỉ đạo: Kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.

5 tháng đầu năm 2016, hạn hán ở Tây Nguyên đã làm thiệt hại về kinh tế là 3.487 tỉ đồng. Hạn hán làm Tây Nguyên khó khăn hơn có nguyên nhân từ phá rừng.

 

Dù đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo vệ, phát triển rừng, nhưng sự thật  Tây Nguyên đang bị “chảy máu” rừng. Theo ý kiến của cơ quan chức năng, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới “chảy máu” rừng Tây Nguyên là chuyển đổi rừng và phá rừng. Cụ thể, chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả là 111.000 ha, chiếm hơn 40%; chuyển đất rừng sang mục đích khác theo quy hoạch của địa phương (xây thủy điện, hạ tầng giao thông, công trình công cộng…) là 37.800 ha, chiếm 13,8%. Còn lại là phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác, sản xuất nông nghiệp là 122.900 ha, chiếm 45%.

 

Công khai diện tích đất rừng Tây Nguyên bị thu hep, bị tàn phá hẳn là việc “cực chẳng đã” mà lỗi không thuộc người dân. Sẽ có người “bào chữa” phá rừng vì lực lượng kiểm lâm “ mỏng” (1 kiểm lâm “canh” 1.200 ha rừng), nhưng thực tế trong hệ thống quản lý nhà nước còn có rất nhiều cơ quan có trách nhiệm bảo về rừng.

 

Lỗi hệ thống hay có lợi ích nhóm “bảo kê” cho hành vi phá rừng? Câu hỏi đã hé mở một phần sự thật khi tỉnh Đắk Nông đã xử lý kỷ luật hơn 100 cán bộ công an, kiểm lâm liên quan đến việc lợi dụng chủ trương giao đất, giao rừng, nhiều cán bộ công an, kiểm lâm... đã thâu tóm đất, sang nhượng đất rừng để kiếm lời dẫn đến việc rừng bị phá tan hoang. Nếu địa phương nào cũng xử lý như Đắk Nông, chắc chắn  rừng không bị “chảy máu” như bây giờ!

 

Không chấp nhận để rừng Tây Nguyên “chảy máu”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa đưa ra giải pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ rừng Tây Nguyên: Kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.

 

Đây là một quyết định sáng suốt, hợp lòng dân để “nóc nhà Tây Nguyên” được bình yên, có nhiều cơ hội để phát triển.

 

Đóng cửa rừng tự nhiên, vấn đền cần làm là giải quyết sinh kế cho những  người dân di cư, những người dân bao năm nay gắn bó với rừng. Khi sinh kế của người dân được đảm bảo, họ sẽ cùng tham gia giữ rừng và không bị “lâm tặc” lợi dụng!

 

Cùng với việc đóng cửa rừng tự nhiên là việc rà soát để nói không với những dự án thủy điện, khai thác khoáng sản không chấp hành quy định trồng rừng thay thế, không phù hợp với quy hoạch, có dấu hiệu xâm hạn đến môi trường hoặc không thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng...

 

Việt Nam tự hào là đất nước có “rừng vàng, biển bạc”, nhưng lại chưa trở thành quốc gia giàu có, trong khi vẫn phải đối mặt và tốn rất nhiều kinh phí để ngặn chặn tình trạng phá rừng và ô nhiễm môi trường biển.

 

“Rừng vàng, biển bạc” không chỉ là tài nguyên quý để trao truyền cho nhiều thế hệ, mà là nguồn “năng lượng sạch” để con người sống an toàn hơn trước thách thức của biến đổi khí hậu.

 

Không giữ được “rừng vàng, biển bạc”, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt, không mua bán và quy đổi bằng tiền.