Nâng cao năng lực quản lý hoạt động khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

14:40, 28/06/2016

Bắt đầu từ ngày 1/7/2016, Luật Khí tượng Thủy văn và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có hiệu lực thi hành. Các luật này được ban hành sẽ góp phần cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về khí tượng thủy văn, nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động khí tượng thủy văn và công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong tổng thể mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

* Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu

 

Luật Khí tượng Thủy văn gồm 10 chương, 57 điều. Luật quy định rõ trách nhiệm của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương và trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác trong việc triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về khí tượng thủy văn. Về công tác truyền thông hoạt động khí tượng thủy văn, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí ở Trung ương, Đài phát thanh, truyền hình địa phương trong vấn đề truyền, phát thông tin khí tượng thủy văn.

 

Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là chương có nhiều quy định quan trọng, Luật quy định nội dung hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ cơ sở xác định quy trình, công việc trong hoạt động dự báo, cảnh báo; quy định về yêu cầu đối với dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; quy định về loại bản tin và thời hạn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn... Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn được bổ sung vào nhóm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Bên cạnh đó, Luật đã quy định 14 nhóm hành vi vi phạm pháp luật khí tượng thủy văn mang tính phổ quát, dễ xảy ra nhất trên thực tế để làm căn cứ, cơ sở cho công tác quản lý đối với hoạt động trong lĩnh vực này.

 

Ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là vấn đề liên ngành, liên vùng. Trong đó, nhiệm vụ của ngành khí tượng thủy văn là cung cấp các luận cứ khoa học về biến đổi khí hậu và các loại thông tin “đầu vào”, làm cơ sở xác định các biện pháp và xây dựng các công cụ thích ứng, các hành động giảm nhẹ, cũng như đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ của ngành khí tượng thủy văn được xác định chung là giám sát biến đổi khí hậu.

 

* Bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả

 

Với 10 chương 81 điều, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Luật cũng quy định về nguyên tắc, căn cứ lập Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

 

Lần đầu tiên quy định hành lang bảo vệ bờ biển được luật hóa. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển tổ chức thiết lập, công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý. Luật cũng quy định cụ thể các hoạt động bị nghiêm cấm, các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là từ ngày 1 - 8/6 hàng năm. Trong vòng 18 tháng kể từ ngày 1/7/2016, UBND tỉnh phải thiết lập hành lanh bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý.

 

Luật quy định về nguyên tắc, nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; trách nhiệm điều tra, đánh giá môi trường biển và hải đảo; quy định cụ thể việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển, từ đất liền và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới. Đặc biệt, Luật quy định các công cụ, biện pháp để kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được phân thành các cấp. Cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo là cơ sở đề ra các giải pháp hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được phân thành các cấp: Vùng rủi ro ô nhiễm thấp; Vùng rủi ro ô nhiễm trung bình; Vùng rủi ro ô nhiễm cao; Vùng rủi ro ô nhiễm rất cao.

 

Sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển là sự cố môi trường. Luật chỉ quy định chi tiết một số vấn đề đặc thù trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển như: Phân cấp ứng phó sự cố; xác định và thông báo khu vực hạn chế hoạt động; tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở gây sự cố; trách nhiệm trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển… và giao Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển.

 

Hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thiết kế tổng thể và xây dựng thành hệ thống thống nhất trong phạm vi cả nước, phục vụ đa mục tiêu, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam. Cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia là tập hợp thống nhất toàn bộ dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong phạm vi cả nước được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia, được số hóa để cập nhật, quản lý, khai thác bằng hệ thống công nghệ thông tin.

 

Trong thời hạn 18 tháng kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên của ngành, địa phương, quy hoạch phát triển ngành, địa phương được tiếp tục thực hiện cho đến khi được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt./.