Phải có biện pháp ngăn chặn đồng bộ và hiệu quả hơn trước nguy cơ lan rộng của các loại ma túy

07:55, 17/06/2016

Tối 16/6, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2016. Chương trình do Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tham dự buổi lễ.


Với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy”, Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2016 nhằm nhắc nhở về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và của cả xã hội trong việc giúp đỡ thế hệ trẻ có cuộc sống lành mạnh, không sa vào tệ nạn ma túy.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá trong thời gian qua, công tác phòng, chống ma túy luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ và sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Nhiều mặt công tác đã có chuyển biến tốt và ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn sử dụng trái phép các chất ma túy ở nước ta còn rất phức tạp, tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Vì chạy theo lợi nhuận, tội phạm ma túy vẫn tiếp tục tổ chức vận chuyển nhiều loại ma túy với số lượng rất lớn vào nước ta. Các loại ma túy “đá”, “thuốc lắc” và các chất hướng thần mới, các loại thảo dược có tẩm chất gây nghiện đang có dấu hiệu lây lan trong thanh thiếu niên ở nhiều địa phương, gây lo lắng cho nhiều gia đình và xã hội. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường đáng kể thời lượng phổ biến về tác hại của các loại ma túy này song dường như những cảnh báo này chưa tạo chuyển biến nhận thức trong giới trẻ. Nhiều nhóm thanh niên vẫn không cho đây là ma túy mà nghĩ đơn thuần chỉ như sử dụng thuốc lá; sử dụng chỉ để gây hưng phấn, sành điệu, dùng chúng như một trò chơi vô hại. Do vậy không ít người, nhất là thanh niên đã sử dụng ma túy tổng hợp, gây ra hậu quả nặng nề cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

 

Từ thực tế đáng lo ngại này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh việc bảo vệ cộng đồng, gia đình, xã hội và đặc biệt là thế hệ trẻ trước nguy cơ lan rộng của các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới trở thành một nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi phải có các biện pháp ngăn chặn đồng bộ và hiệu quả hơn.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại các kiến thức về phòng, chống ma túy đang được tuyên truyền từ bậc tiểu học đến đại học phù hợp, cập nhật với tình hình thực tế; lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy với các hoạt động ngoại khóa, tuần giáo dục công dân đầu năm học. Bộ Công an cần tập trung chỉ đạo các lực lượng đấu tranh mạnh với tội phạm về ma túy, ngăn chặn không để hoạt động tội phạm lây lan, đặc biệt là triệt xóa các điểm, tụ điểm trong và ngoài nhà trường, đảm bảo môi trường lành mạnh cho các em học tập. Bộ Thông tin và Truyền thông cần quản lý chặt chẽ hệ thống Internet, nhất là các trang mạng xấu phổ biến, lôi kéo thanh niên sử dụng ma túy và xử phạt nghiêm khắc các trang mạng có hành vi vi phạm. Các cơ quan báo chí và phương tiện thông tin đại chúng cần dành thời lượng thích hợp, xây dựng các chuyên mục và nội dung phổ biến về tác hại của ma túy tổng hợp và các kỹ năng sống để tránh xa ma túy. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần thường xuyên tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh nhạy cảm như vũ trường, nhà nghỉ, khách sạn không để trở thành nơi sử dụng ma túy.

 

Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, vai trò của các đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội cũng hết sức quan trọng trong việc giúp đỡ, bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy - Phó Thủ tướng nêu rõ. Tổ chức Đoàn, Đội cần tạo ra các sân chơi lành mạnh, bổ ích; đồng thời có trách nhiệm giúp đỡ những người không may sa vào tệ nạn ma túy. Các bậc phụ huynh cần biết cách dành tình thương sâu sắc, sự quan tâm theo dõi, giáo dục con em, kịp thời phát hiện và phối hợp với nhà trường, xã hội ngăn chặn không để các em bị lôi cuốn vào tệ nạn này.

 

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực, từ phát triển chính sách đến tìm kiếm các phương pháp điều trị hiệu quả về mặt y tế và phù hợp với pháp luật trong việc giải quyết những thách thức do lệ thuộc ma túy gây nên. Bà Pratibha Mehta mong muốn từ các bộ, ban, ngành của Chính phủ ở tất cả các cấp, đến cộng đồng, gia đình, trường học, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp hãy hành động tích cực để nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của ma túy và giúp đỡ những người bị lệ thuộc vào ma túy./.