Tối 4/6, tại thành phố Lào Cai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường năm 2016 nhằm kêu gọi toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp bằng những hành động thiết thực cùng nhau làm sạch môi trường; thay đổi hành vi, lối sống để góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn hành tinh xanh của toàn nhân loại. Đây là lần đầu tiên Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động Tháng hành động vì môi trường để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6).
Tham dự lễ phát động có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các bộ ngành của Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức chính trị xã hội và các doanh nghiệp.
Phát động Tháng hành động vì môi trường, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) là hoạt động thường niên được Việt Nam tổ chức từ năm 1982 đến nay theo sự phát động của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã trở thành phong trào rộng khắp trên phạm vi cả nước. Năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới một cách thiết thực, hiệu quả; tăng cường các hoạt động cụ thể có sự tham gia của cộng đồng, huy động sự tham gia của toàn xã hội nhằm góp phần giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách tại các địa phương.
Ngày Môi trường thế giới năm nay cũng là cơ hội để tất cả chúng ta cùng nhìn lại sự quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa con người với thiên nhiên. Đây cũng là một cơ hội lớn để chúng ta cùng nhau quyết tâm, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ngăn chặn đẩy lùi các hiểm họa về môi trường, sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2016 là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta” nhằm truyền cảm hứng cho toàn nhân loại hướng tới các hành vi sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với các hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất. Thông qua đó huy động nỗ lực của toàn thể cộng đồng hướng tới ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên, đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của các loài động vật trên thế giới.
Ở Việt Nam, hàng loạt thiên tai, ô nhiễm môi trường ở các đô thị, khu công nghiệp, các lưu vực sông và nhiều sự cố nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến môi trường sống, tài sản và sinh kế của hàng triệu người dân. Để giải quyết một cách tổng thể, căn bản công tác vấn đề môi trường, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật; triển khai các chương trình, nhiệm vụ cụ thể để ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm. Các tổ chức, cá nhân, Hội cựu chiến binh, Đoàn viên thanh niên, phụ nữ và cả những người cao tuổi... đã có nhiều sáng kiến, phong trào hành động cụ thể nhằm chung tay giải quyết những vấn đề môi trường ở nhiều nơi. Tuy nhiên, công cuộc bảo vệ môi trường không thể giải quyết được một sớm một chiều mà cần có sự chung tay góp sức của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội trong cả quá trình lâu dài.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Tháng hành động vì môi trường của Việt Nam nhằm hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6 là hoạt động nhằm bảo vệ và gìn giữ môi trường cho thế hệ mai sau. Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược. Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay nhận thức về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu trong xã hội đã tốt hơn so với trước nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức thức không nhỏ về môi trường như ô nhiễm ở các sông, hồ, vùng ven biển, khu công nghiệp...
Phó Thủ tướng kêu gọi cộng đồng cần chung tay hành động từ những việc làm nhỏ nhất, thiết thực nhất để bảo vệ môi trường. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội cần rà soát lại công tác quản lý nhà nước về môi trường; gắn bảo vệ môi trường với các chiến lược phát triển kinh tế; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về môi trường; tăng cường đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường. Trong đó cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường; yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải cùng có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng cảm ơn các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam trong bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu ./.