Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải là một định chế tài chính vững mạnh, phát triển nhanh và bền vững

14:50, 06/06/2016

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phải hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Để làm được như vậy, VDB phải là một định chế tài chính vững mạnh, phát triển nhanh và bền vững. Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng, sáng 6/6.

Phó Thủ tướng nêu rõ, nhìn lại chặng đường khá dài kể từ khi hình thành với tên gọi Quỹ hỗ trợ phát triển cho đến nay, còn nhiều việc phải đặt ra, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải tái cơ cấu để giải quyết những tồn đọng cũ do khó khăn, vướng mắc về mô hình tổ chức hoạt động, cơ chế hoạt động và cả vấn đề quản lý mà trước hết là các văn bản quy phạm pháp luật. Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, cán bộ, công chức toàn hệ thống đã vượt lên trên khó khăn, duy trì hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ Bộ Tài chính và Chính phủ giao phó, khi mà khuôn khổ pháp lý đang trong quá trình hình thành và hoàn thiện, tổ chức hoạt động rất khó khăn.

 

Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị VDB và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính chú trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Ngân hàng. Trước hết, VDB quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1515/QĐ-TTg về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 75/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu theo hướng về phạm vi điều chỉnh, Nghị định điều chỉnh cho cả tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu, thực hiện theo đúng các cam kết quốc tế. Hình thức tín dụng xuất khẩu là hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức ưu đãi rõ ràng, không hỗ trợ cho người bán và người mua như hiện nay, vì rủi ro cao, tác dụng thấp, thậm chí vi phạm các cam kết của WTO. Việc cho vay ngắn hạn đối với các dự án phải quy định chặt chẽ theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, không cấp bù lãi suất; đối với vay bằng ngoại tệ, tuân thủ quy định về ngoại hối.

 

Về lãi suất cho vay, Phó Thủ tướng cho rằng Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần lấy lãi suất đầu vào để quyết định lãi suất đầu ra theo hướng thực sự là một chính sách ưu đãi của nhà nước, cùng với việc thông thoáng về thủ tục, nhưng giám sát chặt chẽ để tăng cường hỗ trợ cho những khu vực, địa bàn, dự án quan trọng của quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị VDB rà soát lại danh mục loại dự án nào được hưởng chế độ ưu đãi này.

 

Về trích lập dự phòng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam là một ngân hàng của Chính phủ nhưng hoạt động trong nền kinh tế thị trường có sự định hướng của Nhà nước, trước hết, VDB phải tuân thủ luật chơi của thị trường, không thể hỗ trợ tràn lan. VDB phải phát huy tính năng động, sáng tạo của mình. Việc huy động vốn, cho vay đều phải tăng cường phân cấp, phân quyền cho VDB và Ngân hàng phải tự chịu trách nhiệm, Bộ Tài chính và Chính phủ không quyết thay.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu VDB sớm xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phương án về Hội đồng quản trị, ban hành cơ chế quản lý tài chính, quy chế xử lý rủi ro, đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020. Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam nghiêm túc kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tỷ lệ nợ xấu hiện ở mức 7% có là thực chất, cần nói thẳng, nói thật, rõ thực trạng để có cơ chế xử lý.

 

Đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiếp tục hoàn thiện lại tổ chức bộ máy, Phó Thủ tướng cho rằng trước đây VDB giống như “Bộ Ngân hàng phát triển”, 63 tỉnh, thành phố đều có chi nhánh, nguồn lực rất lớn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giai đoạn tới cán bộ không cần đông nhưng phải “tinh” kết hợp với quản lý bằng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực quản trị theo chuẩn mực của một ngân hàng, tổ chức tín dụng mới nâng cao được năng lực và hiệu quả hoạt động.

 

Nêu rõ nhiệm vụ 2016 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải đưa tăng trưởng tín dụng dư nợ từ con số âm trong 3 năm qua lên 4,5% là rất nặng nề và không dễ dàng, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Cán bộ đoàn kết một lòng tái cơ cấu đưa Ngân hàng Phát triển Việt Nam bước sang giai đoạn mới, xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu ngân hàng, đẩy nhanh tiến độ kể cả vốn đối ứng cho các dự án vay vốn ODA đối với các dự án trọng điểm của Chính phủ.

 

Trao quyết định bổ nhiệm ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam, thay ông Nguyễn Quang Dũng, Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/6, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn ông Phạm Quang Tùng sẽ phát triển VDB với tư cách là một công cụ tài chính của Nhà nước dưới góc nhìn của thị trường, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố nhà nước và thị trường trong phát triển, đưa VDB hoạt động hiệu quả, bền vững. Phó Thủ tướng cũng bày tỏ trân trọng những đóng góp của ông Nguyễn Quang Dũng với 40 năm cống hiến cho ngành tài chính, từng đảm đương công việc trong quá trình tái cấu trúc rất khó khăn, tin tưởng với kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Quang Dũng tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp của ngành tài chính nói chung và sự phát triển của VDB nói riêng trong thời gian tới./.