Việc rà soát xe công nhằm hiện thực hóa Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ có ý nghĩa tích cực trong việc quản lí xe công, mà còn tạo bước đột phá trong phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Siết chặt quản lí xe công
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương đã rà soát, sắp xếp lại lượng xe công theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Kết quả rà soát cho thấy, hai bộ này thừa 233 xe (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn thừa 176 xe công, Bộ Công Thương mua thừa 57 xe)
Theo giải thích của ông Trần Đức Thắng- Cục trưởng Cục quản lý Công sản (Bộ Tài chính), số xe thừa trên là do thực hiện Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát lại định mức xe công theo tiêu chuẩn mới. Theo đó, khi đối chiếu số lượng xe hiện có tại hai Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với quy định mới thì đã thừa ra số xe như trên.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, chi phí bình quân cho 1 xe ô tô công hiện vào khoảng 310 triệu đồng/xe/năm (bao gồm: lương, công tác phí cho lái xe khoảng 70 triệu đồng, nhiên liệu 100 triệu đồng, khấu hao xe 80 triệu đồng, bảo hiểm, chi phí sửa chữa… khoảng 60 triệu đồng). Vậy, 233 xe dư thừa kia mỗi năm ngốn trên 72 tỷ đồng, đó là chưa kể tiền mua xe. Nếu không rà soát theo Quyết định 32, mấy ai hình dung ra số tiền lớn này?
Thực hiện theo Quyết định 32, Cục Quản lí công sản đang tiếp tục rà soát tại các bộ ngành khác. Nếu các bộ ngành này cũng có dư thừa xe thì con số trên sẽ còn tăng gấp nhiều lần. Điều đó đồng nghĩa với việc ngân sách lâu nay phải gánh rất nhiều tiền vào việc mua sắm, sử dụng xe công. Do đó, Quyết định 32 của Thủ tướng là một đột phá thiết thực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong khi đó, với khoảng 20 triệu đồng/1 con trâu, bò đã có thể giúp hộ nghèo dựa vào đó mà từng bước vươn lên thoát nghèo. Vậy với số tiền dôi dư từ mỗi xe ô tô công thực hiện theo Quyết định 32, sẽ mua được bao nhiêu con trâu giảm nghèo?
Có thể nói, việc rà soát xe công theo Quyết định 32, không chỉ là siết chặt quản lí xe công, tiết kiệm ngân sách mà còn đem lại ý nghĩa xã hội rất tích cực, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Dần thu hẹp việc sử dụng xe công
Quyết định 32 được ban hành với mục tiêu dần thu hẹp việc sử dụng xe công, chuyển dần sang các dịch vụ, phương tiện khác mà vẫn đáp ứng được công việc. Việc thực hiện Quyết định vì vậy, có thể xem như một tín hiệu vui cho thấy, đang có xu hướng tiệm cận gần với đề xuất khoán xe công bằng cách chi trả tiền đi lại vào lương cho cán bộ mà nhiều vị đại biểu Quốc hội đã từng đề xuất.
Khi làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Vũ Văn Ninh từng cho biết, nếu khoán xe công, mỗi năm cả nước tiết kiệm khoảng 1.000 tỉ đồng và mỗi tháng những cán bộ có tiêu chuẩn xe công sẽ được chuyển vào lương thêm 5 triệu đồng. Đó là thời điển cách đây khoảng 10 năm, ở thời điểm hiện nay, số tiền tiết kiệm chắc sẽ lớn hơn thế nhiều.
Năm ngoái, một vị đại biểu Quốc hội đã chia sẻ, mỗi tháng, vị này được nhận khoán 10 triệu đồng tiền xe công. Như vậy, bình quân là 120 triệu đồng/năm, trong khi đó, con số mà Bộ Tài chính công bố thì trung bình mỗi năm, 1 xe công tiêu tốn hết 320 triệu đồng, chưa kể tiền mua xe. Những minh chứng này cho thấy, thu hẹp sử dụng xe công để chuyển sang các dịch vụ, phương tiện khác như mục tiêu của Quyết định 32 là có lợi cho dân, cho nước, cần sớm thực hiện.
Thiết nghĩ, chúng ta đã bỏ cơ chế bao cấp về kinh tế từ rất lâu nhưng tư duy bao cấp về xe công vụ… thì vẫn ì ạch. Và cái ì ạch đó được xem như mảnh đất màu mỡ cho một số cá nhân, cơ quan lợi dụng. Do vậy, việc thay đổi tư duy bao cấp về xe công cũng cần được xem xét để vừa đảm bảo nhiệm vụ công tác, vừa hạn chế được sự lạm dụng xe công, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.