Ngày 7/6, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu làm Trưởng đoàn đã làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam về chuyên đề “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp".
* 39% hợp tác xã đã chuyển tiếp, đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012
Theo báo cáo, hiện cả nước có gần 150.000 tổ hợp tác với 1.950 nghìn thành viên. Các tổ hợp tác phát triển trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền, được thành lập theo nhóm sản xuất, ngành nghề, phát triển nhất là khu vực Nam bộ. Toàn quốc có gần 18.000 hợp tác xã cần chuyển tiếp, đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012, trung bình 285 hợp tác xã/tỉnh cần tiến hành chuyển tiếp, đăng ký lại. Đến nay, đã có 6.991 hợp tác xã chuyển tiếp, đăng ký lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012, chiếm 39% tổng số hợp tác xã cần chuyển tiếp, đăng ký lại. Mới có hai tỉnh hoàn thành công tác tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012 trước ngày 1/7/2016 là Bình Định, Ninh Thuận.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự, việc chuyển đổi hợp tác xã, liên kết các hợp tác xã tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế và so với mục tiêu, yêu cầu; khu vực kinh tế tập thể phát triển còn chậm cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã nhấn mạnh, từng hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún không đủ tự cung, tự cấp, không thể tái cấu trúc nông nghiệp; cần xây dựng, liên kết các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chuyên ngành, chuyên nghiệp, liên kết vùng và liên vùng để tập trung đầu tư khoa học công nghệ, cán bộ quản lý nâng cao sức cạnh tranh. Trong thời gian tới, việc tập trung phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng các hình thức tổ chức sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong tất cả các tỉnh, thành phố, quận, huyện là rất quan trọng. Nếu trên địa bàn xã không có doanh nghiệp hoặc hợp tác xã để làm đầu kéo, đầu mối dẫn dắt hỗ trợ khoa học công nghệ, bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ thì không thể tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp được- ông Cự nêu rõ.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự đề nghị Trung ương, Quốc hội có kế hoạch chủ động nghiên cứu, khảo sát một số địa phương để năm 2017 (sau 5 năm triển khai thực hiện Luật hợp tác xã năm 2012) sửa đổi, bổ sung một số điều bất cập, ảnh hưởng đến sự phát triển.
* Cần tăng cường chuyển đổi hợp tác xã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều, các hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 vẫn còn lúng túng, bị động trong sản xuất kinh doanh, chưa thu hút mạnh mẽ xã viên tham gia góp vốn, góp đất để đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ hợp tác xã còn bất cập (nhất là hợp tác xã nông nghiệp), thiếu năng động sáng tạo, tư duy chưa đáp ứng theo kịp cơ chế thị trường; vai trò của bộ máy quản lý hợp tác xã còn mờ nhạt trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hoạt động dịch vụ nông nghiệp còn đơn điệu chưa có nhiều mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh; chưa tập trung sản xuất các mặt hàng chủ lực có thế mạnh, sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ, chất lượng sản phẩm thấp, hiệu quả kinh doanh chưa cao.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, việc chuyển đổi hợp tác xã nhằm giúp các hộ thành viên nâng cao năng lực và hiệu quả kinh tế hộ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị tại địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 còn nhiều vấn đề, nhất là trong khâu quản lý nhà nước.
Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, báo cáo và đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết để thay đổi về chất trong chuyển đổi hợp tác xã. Trong thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã cần tăng cường nắm bắt tình hình ở cơ sở, địa phương nhằm rút ra kinh nghiệm trong việc triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, đồng thời nhân rộng những mô hình hiệu quả, tìm hiểu kinh nghiệm của những địa phương triển khai tốt./.