Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai Việt Nam

10:42, 15/06/2016

Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (VILG) nhằm phát triển, vận hành một hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Dự án do Tổng cục Quản lý đất đai đảm nhiệm, trong đó Báo cáo đánh giá xã hội và Khung kế hoạch dân tộc thiểu số đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, công khai hóa.  

Bà Hoàng Thị Vân Anh, Trưởng nhóm xây dựng Báo cáo đánh giá xã hội cho biết: Dự án VILG bao gồm 3 hợp phần. Hợp phần 1: Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai nhằm hiện đại hóa và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai; đào tạo, truyền thông và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số; thiết lập và thực hiện Hệ thống theo dõi và đánh giá việc quản lý và sử dụng đất. Hợp phần sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai thông qua việc hoàn thiện quy trình và tiêu chuẩn dịch vụ, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao năng lực của các cán bộ văn phòng đăng ký ở các tỉnh thực thi Dự án. Hỗ trợ việc thống nhất các tiêu chuẩn nghiệp vụ và cơ sở vật chất của văn phòng đăng ký và chi nhánh văn phòng đăng ký, đồng thời tăng cường sự tham gia của người dân, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác thông qua các chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức.

 

Các hoạt động của hợp phần tạo điều kiện để triển khai các hoạt động kỹ thuật trong khuôn khổ Hợp phần 2 của Dự án. Ngoài ra, hợp phần cũng sẽ giúp theo dõi việc thực hiện quản lý sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đáp ứng dần các nhu cầu của nền kinh tế, xã hội trong hiện tại và trong tương lai về khả năng tiếp cận tốt hơn với các thông tin và dịch vụ thông tin đất đai.

 

Hợp phần 2: Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và triển khai hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu (MPLIS) để hỗ trợ cho phát triển một mô hình hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu, tập trung, thống nhất trên phạm vi toàn quốc; thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm để quản trị và vận hành hệ thống cho cả nước; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia với 4 thành phần là thông tin địa chính; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất và thống kê, kiểm kê đất đai; phát triển triển Cổng thông tin đất đai, dịch vụ công điện tử trong lĩnh vực đất đai và chia sẻ, liên thông dữ liệu với các ngành, lĩnh vực khác dựa trên Khung kiến trúc chính phủ điện tử được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành nhằm tăng cường sự tham gia của người dân đối với hệ thống MPLIS. Còn Hợp phần 3: Hỗ trợ quản lý dự án.

 

Những hợp phần này sẽ được thực hiện cả cấp Trung ương và cấp địa phương. Những người hưởng lợi từ Dự án là cộng đồng, người sử dụng đất, bao gồm cả nhóm người thiệt thòi và nhóm dễ bị tổn thương, là nhóm người sẽ tăng thêm và tiếp cận tốt hơn với thông tin về đất đai và các dịch vụ về đất đai với sự tích hợp dữ liệu số. Các cơ quan của Chính phủ từ cấp Trung ương đến địa phương có thế tiếp cận và chia sẻ dữ liệu không gian dễ dàng hơn, nhằm cải thiện công tác quy hoạch và vận hành của họ và cộng đồng doanh nghiệp sẽ được cung cấp các dịch vụ hiệu quả và tăng khả năng tiếp cận với thông tin.

 

Công tác khảo sát thực địa sẽ diễn ra tại 6 tỉnh trên tổng số 12 tỉnh được triển khai Dự án trong năm đầu tiên theo sự lựa chọn của Tổng cục Quản lý đất đai. Những tỉnh này được phân bố dọc đất nước, bao gồm Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Khánh Hòa và Vĩnh Long...

 

Theo nhận xét của ông Hoàng Tuấn Vũ, Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai: Nhìn chung, những người tham gia trả lời phỏng vấn đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với việc triển khai Dự án dựa trên quan điểm riêng của họ, tùy thuộc vào vị trí việc làm hoặc sự cần thiết về thông tin đất đai đối với họ. Họ đồng ý với ba lợi ích quan trọng của Dự án, bao gồm việc giảm thời gian và hiệu quả cho người sử dụng đất, cải thiện môi trường kinh doanh, và cải tiến quy trình quản lý dịch vụ công và người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân. Tuy vậy, có một vài người tham gia phỏng vấn đến từ các tổ chức như các doanh nghiệp, công chứng viên, luật sư đã thể hiện mối quan tâm của họ tới các mặt tác động tiêu cực có thể xảy ra và các rủi ro mang đến từ dự án dựa trên kinh nghiệm của họ, khi phải đối mặt với các trường hợp nhạy cảm và phức tạp liên quan đến thông tin về đất đai.

 

Các mối quan tâm phát sinh trong nghiên cứu này bao gồm tính không đối xứng của các thông tin về đất đai; độ cẩn mật của thông tin khi sử dụng MPLIS; sự chồng chéo với các luật hiện hành và các văn bản dưới luật có liên quan; cạnh tranh không công bằng; độ chính xác và tin cậy về thông tin; trách nhiệm giải trình, trách nhiệm hình sự và bồi thường liên quan; cập nhật thông tin trong MPLIS; đổi mới không nhất quán tại các văn phòng đăng ký đất đai; khung pháp lý và các hoạt động truyền thông. Các phần kiến nghị làm nổi bật qua các thông điệp mạnh mẽ để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực tiềm tàng, cũng như sự tối ưu hóa sử dụng dịch vụ thông tin đất đai cho những người hưởng lợi thông qua dự án VILG.

 

Dự án cũng tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình thông qua việc khoanh vùng trách nhiệm; đẩy mạnh sự tiếp nhận dịch vụ, đặc biệt là của Văn phòng Đăng ký đất đai; tạo điều kiện tiếp cận và sử dụng thông tin đất đai trực tuyến; định kỳ hỗ trợ cho các vùng sâu, vùng xa và các khu vực khó khăn; đảm bảo tính cẩn mật của các thông tin đất đai; truyền thông và nâng cao nhận thức; xây dựng năng lực truyền thông tốt hơn cho các điều phối viên địa phương và nhân sự của Văn phòng Đăng ký đất đai, cán bộ địa phương và người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân; cân nhắc các vấn đề nhạy cảm về giới tính; cân nhắc đến sự nhạy cảm về nhóm dân tộc thiểu số.

 

Việc phối hợp với các Dự án hiện tại về đất đai liên quan là một hoạt động quan trọng như là người quản lý và các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đã tiến hành khảo sát, nhằm rà soát và sự hiệp lực với dự án hiện tại ở cấp Trung ương và cấp địa phương có liên quan đến các hoạt động của Dự án VILG, nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên và phát huy sức mạnh tổng hợp. Thêm vào đó, sự cần thiết để xây dựng tính hợp pháp và hiệu quả của cơ chế khiếu nại thông qua việc tăng cường các nguồn thông tin, bao gồm cả các thông tin từ dưới lên và từ trên xuống để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm dễ bị tổn thương tham gia vào cơ chế phản hồi nhằm hạn chế cản trở họ tham gia dự án và các lợi ích của họ, đồng thời tối đa hóa các tác động tích cực và sự hài lòng cho những người hưởng lợi từ dự án. Cơ chế khiếu nại cần đáp ứng được các yêu cầu của từng nhóm người dân tộc thiểu số cụ thể trong các thuật ngữ về ngôn ngữ và các chuẩn mực văn hóa về khiếu nại.

 

Liên quan đến hệ thống đánh giá và giám sát (M&E), việc tiếp cận cân bằng nhằm thúc đẩy các kênh phổ biến thông tin, với sự giám sát cẩn trọng của việc tiếp cận và sử dụng internet của Văn phòng đăng ký đất đai giữa những người sử dụng đất có mục tiêu, là hoạt động quan trọng nhằm đảm bảo rằng các lợi ích được cung cấp từ dự án VILG được phân bố một cách công bằng. Sự sắp xếp đánh giá M&E cần bao gồm các thông số liên quan đến sự tiếp cận của những nhóm dân tộc thiểu số để cho phép phân tích tách rời theo giới, tính cách sắc tộc và tình trạng nghèo/cận nghèo. Khảo sát sự thỏa mãn của cộng đồng cần được lập kế hoạch thích hợp về thời gian trong suốt quá trình thực hiện để nắm bắt rõ các khó khăn mới nổi và có những điều chỉnh kịp thời để tránh sự loại trừ nhóm dễ bị tổn thương ra khỏi lợi ích của Dự án.

 

Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, công tác đánh giá định kỳ tính hiệu quả và hiệu lực của các chiến lược truyền thông và tài liệu các bài học kinh nghiệm cho Dự án cần được rà soát và nhân rộng. Dự án sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh khung thể chế và xây dựng, vận hành hệ thống MPLIS trên nền của dữ liệu hiện có nhằm phát triển kinh tế - xã hội và quản trị đất đai tốt hơn. Không có hạng mục công trình xây dựng nào được đề xuất trong Dự án này do đó không xảy ra vấn đề thu hồi đất. Đồng thời, tác động do hạn chế tiếp cận và khai thác tài nguyên cũng không xảy ra. Chính sách hoạt động được sử dụng như biện pháp ngăn ngừa, trong trường hợp nếu xảy ra việc thu hồi đất như là kết quả của việc đo đạc lại dẫn tới phát hiện ra các mảnh đất công nhưng được sử dụng bởi cá nhân hoặc hộ gia đình. Nhưng sẽ không có công cụ nào cho dự án liên quan đến chính sách hoạt động, ngoại trừ các phần đánh giá xã hội này.

 

Liên quan đến Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật, trong các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng những người bị thu hồi đất sẽ được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo các quy định của pháp luật. Bồi thường về đất dựa trên giá trị của thị trường tại thời điểm quyết định thu hồi đất của nhà nước. Ngoài được bồi thường về đất, những người bị thu hồi sẽ được bồi thường về tài sản trên đất. Thêm vào đó, trong từng trường hợp cụ thể, những người bị thu hồi sẽ nhận được những sự hỗ trợ khác như hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tái định cư. Người dân có quyền được tham gia vào việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khu vực tái định cư, đào tạo hướng nghiệp và tìm việc. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm tiếp nhận các ý kiến góp ý của nhân dân và tổ chức tiếp thu giải trình các ý kiến trước khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư./.