* Phấn đấu đến 2030, Thanh Hóa cơ bản thành tỉnh công nghiệp
Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có cơ cấu hợp lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chủ yếu đồng bộ, hiện đại. Đó là nội dung nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu gián tiếp gồm nghiên cứu vai trò, vị thế tỉnh Thanh Hoá trong mối quan hệ phát triển với không gian kinh tế xã hội các khu vực liền kề: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng duyên Hải Bắc Bộ, vùng biên giới Việt - Lào; vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ; các mối liên hệ về kinh tế với khu vực miền Trung nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Đông Bắc Thái Lan. Phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thanh Hoá.
Tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố tỉnh lỵ loại I và 2 đô thị loại III trực thuộc tỉnh, 24 huyện, với tổng diện tích tự nhiên 11.129,48 km2, dân số thống kê năm 2015 khoảng 3,513 triệu người, chiếm 3,36% diện tích và 3,86% dân số cả nước.
Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2065 đặt ra yêu cầu về phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng vùng. Cụ thể, phân tích, đánh giá mối quan hệ liên kết giữa Thanh Hoá với các vùng lân cận, nêu rõ tiềm năng lợi thế của tỉnh trong tổng thể liên kết về không gian kinh tế, xã hội, kết nối giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia. Đặc thù của từng vùng miền trong tỉnh. Rà soát và đánh giá các đề án, các cơ chế chính sách quản lý và phát triển theo quy hoạch của tỉnh, các quy hoạch xây dựng đã có, dự án đầu tư cấp quốc gia, các dự án cấp tỉnh đã và đang triển khai. Đánh giá tính hiệu quả, sự phù hợp với tổng thể chung trong thời kỳ mới. Đánh giá khu vực miền núi phía Tây về tiềm năng và định hướng phát triển; các khu vực bãi ngang ven biển, xác định các thách thức phát triển khu vực ven biển trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng.
Nhiệm vụ quy hoạch cũng đặt ra yêu cầu đề xuất phân bố các vùng công nghiệp công nghệ cao, vùng công nghiệp chuyên ngành và vùng công nghiệp đa ngành gắn với 4 cực động lực kinh tế và 3 trục phát triển kinh tế đã xác định. Đề xuất phân bổ các cụm công nghiệp vừa và nhỏ gắn với cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
Đối với các khu sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, thị trấn Thống Nhất và dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. Phân bổ các vùng nông, lâm nghiệp, thuỷ sản nhằm tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh lớn, sản xuất tập trung.
Còn đối với phát triển các vùng du lịch, tập trung phát triển dịch vụ du lịch biển, nghỉ dưỡng tại Sầm Sơn, Hoằng Hoá, Tĩnh Gia; du lịch văn hóa gắn với Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; hang Con Moong; đền Bà Triệu; du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, Hòn Mê. Ưu tiên phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cao cấp, chất lượng cao tại các khu, điểm du lịch; trọng tâm là thu hút các dự án các khu resort, nhà hàng cao cấp và các khu vui chơi giải trí.
* Thị xã Kỳ Anh- trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh
Nhiệm vụ Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2035 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thị xã Kỳ Anh được xác định là trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, trong đó, trọng tâm là Khu kinh tế Vũng Áng với các ngành kinh tế chủ đạo là công nghiệp và dịch vụ cảng biển, kết hợp hài hòa với các ngành kinh tế: Du lịch, dịch vụ, nông - lâm nghiệp.
Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ phạm vi trong địa giới hành chính của thị xã Kỳ Anh, với diện tích tự nhiên 28.025,03 ha, trong đó, bao gồm diện tích Khu kinh tế Vũng Áng là 22.781 ha.
Quan điểm lập quy hoạch là ưu tiên cho mục tiêu phát triển công nghiệp và dịch vụ cảng biển, chú trọng phát triển hài hòa các ngành kinh tế khác để hỗ trợ cho phát triển công nghiệp, mặt khác đảm bảo đô thị phát triển, bền vững. Các nội dung nghiên cứu quy hoạch như phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên; phân tích đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường.
Quy hoạch xác định mục tiêu, động lực phát triển; tính chất, quy mô dân số, lao động, quy mô đất xây dựng đô thị; các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật... Đồng thời, đề xuất quy hoạch sử dụng đất, cấu trúc tổ chức không gian và thiết kế đô thị, đảm bảo phát huy được giá trị và tiềm năng của đô thị đặc biệt là phát huy tiềm năng của Khu kinh tế Vũng Áng. Chú trọng cải tạo và nâng cấp các khu dân cư hiện hữu cũng như tạo ra các không gian phát triển kinh tế mới.
Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị bao gồm: Quy hoạch san nền và hệ thống thoát nước mưa; quy hoạch hệ thống giao thông và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác, như: Cấp nước, thoát nước thải, vệ sinh môi trường, nghĩa trang, cấp điện, thông tin - liên lạc, đảm bảo các quy chuẩn chuyên ngành và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hà Tĩnh bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch; lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt đồ án Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2035 theo quy định của pháp luật./.