Sáng 5/6, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã tham dự Lễ công bố cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng năm 2016. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai.
Đây là dịp để Lâm Đồng giới thiệu đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiềm năng, lợi thế, thể chế đặc biệt mà Đảng, Chính phủ dành riêng cho mảnh đất cao nguyên xanh Lâm Đồng và cũng là dịp công bố các cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư nhằm kêu gọi hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
* Ưu tiên trong đầu tư, phát triển
Theo Quyết định 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng được công bố, Thủ tướng Chính phủ cho phép Lâm Đồng thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng trên nhiều lĩnh vực từ kinh doanh bất động sản, đô thị vệ tinh, kết nối giao thông công cộng; xây dựng Khu du lịch quốc gia và Khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Lạt…
Theo đó, Thủ tướng cho phép UBND tỉnh Lâm Đồng được phép cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản (trừ các dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng) trong phạm vi thành phố Đà Lạt: Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng được phép chuyển nhượng dự án cho các đối tượng khác xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc theo quy hoạch chung và dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có thể đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch quốc gia và khu du lịch trọng điểm của thành phố Đà Lạt; được miễn thuế nhập khẩu vật tư, trang thiết bị để đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được trong thời gian 5 năm. Thủ tướng đồng ý cho Lâm Đồng được thí điểm xây dựng mô hình "Làng đô thị xanh" (green village) tại thành phố Đà Lạt theo Đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Theo định hướng được UBND tỉnh ban hành, việc xây dựng Làng đô thị xanh Đà Lạt là mô hình mới, phù hợp với xu thế phát triển của các đô thị và vùng phụ cận đô thị theo hướng tăng trưởng xanh. Những định hướng cơ bản mô hình thí điểm Làng đô thị xanh có 4 yếu tố chính về quy hoạch xây dựng, kiến trúc và cơ sở hạ tầng, môi trường, kinh tế xanh. Theo đó, về quy hoạch, Làng đô thị xanh sẽ hình thành một khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp khu ở và công trình công cộng; phát huy loại hình du lịch canh nông, đảm bảo yêu cầu bảo vệ tối đa đa dạng sinh học, địa hình, cảnh quan tự nhiên - văn hóa của địa điểm và giảm phát thải khí nhà kính, có cơ sở hạ tầng đồng bộ. Làng đô thị xanh áp dụng các tiêu chuẩn quy hoạch, thiết kế dành cho khu vực đô thị đối với các khu vực phi nông nghiệp; thu gom, tái chế các chất thải sinh hoạt; tiết kiệm điện năng và sử dụng năng lượng tái tạo; khuyến khích sử dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió…
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định 1528/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Lạt - Lâm Đồng cho lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng.
* Du lịch và nông nghiệp công nghệ cao: hai mũi nhọn kinh tế hàng đầu
Phát biểu ý kiến trước các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những thành tựu nổi bật về kinh tế-xã hội của Lâm Đồng, những ấn tượng mạnh mẽ của du khách về thành phố du lịch, về xứ xở xanh Đà Lạt.
Thủ tướng cho rằng, với hai thành tựu chính là du lịch và nông nghiệp công nghệ cao bước đầu thành công, Lâm Đồng cần đánh giá, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm, phát huy hiệu quả của các mô hình tốt, tiếp tục xây dựng, lan tỏa thương hiệu Đà Lạt - thành phố ngàn hoa trong lòng du khách trong nước và quốc tế.
Khẳng định mục tiêu của Quyết định số 1528/QĐ-TTg nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng khai thác mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa tiềm năng tự nhiên, đặc biệt là về du lịch, sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo Lâm Đồng cần thực hiện tốt công tác quy hoạch; triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù.
Thủ tướng mong muốn Lâm Đồng không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là về quy hoạch, sử dụng đất theo hướng ưu tiên phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Gợi ý địa phương về công tác phát triển du lịch, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc hình thành tư tưởng một thành phố du lịch văn minh, ấn tượng trong ý thức của chính người dân địa phương và cộng đồng; đảm bảo tốt an ninh, trật tự và đặc biệt là phải có lòng mến khách. “Mỗi du khách ghé thăm Đà Lạt phải được yêu mến như người nhà”, Thủ tướng mong muốn.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng phải chú trọng xây dựng thương hiệu ngay từng khách sạn, cơ sở và địa danh du lịch; đầu tư phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao để mở rộng xuất khẩu nhằm đưa Quyết định 1528 của Thủ tướng vào thực tiễn một cách hiệu quả hơn trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là với việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và trở thành thành viên của Cộng đồng ASEAN.
Để đảm bảo hoành thành các mục tiêu của cơ chế chính sách đặc thù, Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng tập trung làm tốt việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiệu quả; không ngừng bồi đắp, đào tạo và hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh bằng những biện pháp cụ thể như: Rút ngắn tiến trình đăng ký, thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép kinh doanh…
Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Lâm Đồng; làm đúng các cam kết, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng Đà Lạt, Lâm Đồng ngày một phát triển.
*Chiều 5/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và nói chuyện với tập thể Ban Giám hiệu, giảng viên, học viên, cán bộ chiến sỹ Học viện Lục quân tại Đà Lạt.
Từ khi thành lập vào năm 1946 đến nay, Học viện L ục quân đã đào tạo hàng trăm khóa học cho hàng chục ngàn lượt cán bộ cấp Trung, Sư đoàn cho toàn quân. Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, làm nghĩa vụ quốc tế được Bộ Quốc phòng giao, Học viện lần lượt đào tạo cho hàng trăm cán bộ quân đội của hai nước bạn Lào và Campuchia…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao thành tích trong giảng dạy và học tập của thày và trò nhà trường. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Thủ tướng đề nghị Đảng ủy, Ban Giám hiệu và tập thể giảng viên, học viên, cán bộ chiến sỹ Học viện Lục quân bám sát nghị quyết của Đảng, định hướng chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học; huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; xứng đáng là một trong những đơn vị đi đầu trong hệ thống nhà trường của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đề cập đến vai trò, trách nhiệm của đơn vị đóng chân trên địa bàn Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, giảng viên, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên quốc phòng của Học viện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó; làm tốt công tác dân vận trên địa bàn; gắn bó máu thịt với nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Học viện cần là chỗ dựa vững chắc, đồng hành cùng địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, vì cuộc sống bình yên cho nhân dân.
*Nhân dịp đến thăm thành phố xanh Đà Lạt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trồng cây lưu niệm tại Quảng trường Lâm Viên và tới thăm hỏi một số gia đình chính sách trên địa bàn. Thủ tướng đã tới thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Tiệu, sinh năm 1910 tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hai con là liệt sỹ; thăm hỏi, tặng quà Thiếu tướng Phạm Văn Kha – một Đảng viên cao tuổi đã được trao tặng hHy hiệu 70 năm tuổi Đảng, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945./.