Khách du lịch đến Huế bằng tàu biển tăng

11:03, 01/07/2016

Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đón 1,69 triệu lượt khách du lịch; trong đó có 610.000 lượt khách quốc tế, tăng 6,4% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch đạt 1.490 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng chú ý, lượng khách du lịch bằng tàu biển đến Huế trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 21.000 lượt khách, tăng khoảng gần 11% so với cùng kỳ năm 2015. Gần đây nhất, ngày 24/6, tàu du lịch biển quốc tế hạng sang Voyager of the Seas đã cập cảng Chân Mây, đưa 3.100 du khách quốc tế và hơn 1.000 thủy thủ đoàn đến Huế. Trước đó, để đón tàu Voyager of the Seas cập bến, hãng tàu biển Royal Caribbean Cruise (Mỹ) đã hợp tác với tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư 310 tỷ đồng nâng cấp bến số 1, nạo vét mở rộng khu nước trước bến, mở rộng vũng quay tàu, xây thêm trụ neo, bổ sung hệ thống đệm va tàu... để tiếp nhận các tàu du lịch biển tải trọng lớn có sức chở tới 5.500 khách với chiều dài 362m.

 

Voyager of the Seas là hãng tàu biển Royal Caribbean Cruise của Mỹ, tàu được xếp hạng là tàu khách lớn thứ 3 trên thế giới với các hải trình dài ngày trên Thái Bình Dương. Năm 2016, cảng Chân Mây sẽ đón thêm 7 chuyến tàu du lịch quốc tế hạng sang Voyager of the Seas cập cảng, đưa thêm hơn 21.700 du khách quốc tế và gần 8.000 thủy thủ đoàn đến tham quan các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu văn hoá và thưởng thức ẩm thực tại Cố đô Huế và các tỉnh miền Trung Việt Nam.

 

Theo Công ty cổ phần Cảng Chân Mây, sau khi khánh thành bến cảng số 1, dự án xây dựng bến cảng số 3 đã khởi động với quy mô hơn 13 ha; trong đó, diện tích bến bãi hơn 10 ha, chiều dài bến 270 m với tổng mức đầu tư 846 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Với sự đầu tư này, năng lực vận tải biển của cảng Chân Mây tăng đáng kể. Đây cũng là cảng biển đang được chú ý như một trong những cảng có tiềm năng trong việc kết nối, trung chuyển du khách với các điểm đến ở miền Trung.
Để kích cầu du lịch, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xây dựng và thực hiện Đề án "Quỹ phát triển du lịch" từ nguồn xã hội hóa nhằm bổ sung kinh phí cho hoạt động xúc tiến, quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các chương trình trọng điểm phát triển du lịch và dịch vụ năm 2016; triển khai các hoạt động liên kết vùng di sản miền Trung. Đặc biệt, tỉnh sẽ nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hoạt động du lịch, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, lái thuyền du lịch...nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch.

 

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh du lịch, tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức tiếp cận thị trường, xây dựng chiến lược marketing, nâng cao năng lực về cải tiến mẫu mã sản phẩm hàng lưu niệm, quà tặng; nâng cao kỹ năng phục vụ du lịch. Tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các khu, điểm tập trung đông khách du lịch; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc ảnh hưởng tiêu cực đến khách du lịch.

 

Từ đầu tháng 7/2016, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức kết nối vận tải đường sắt với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn, với gần 100 doanh nghiệp du lịch và cơ sở sản xuất, chế biến đặc sản Huế tham gia, mở ra hướng phát triển mới cho ngành đường sắt và du lịch. Theo đó, các doanh nghiệp mong muốn ngành đường sắt cung cấp những thông tin về các dịch vụ và những đổi mới trong vận tải đường sắt; các vấn đề về thời gian đỗ tàu, điểm dừng tàu, cách bán vé cho các tour du lịch, công tác chăm sóc khách hàng… cần được quan tâm, đổi mới để phù hợp với đối tượng khách du lịch. Ngược lại, các cơ sở sản xuất, chế biến đặc sản Thừa Thiên - Huế cần phối hợp với ngành đường sắt cung cấp các đặc sản chất lượng tại địa phương để giới thiệu cho hành khách trên các chuyến tàu Bắc - Nam. Đây là cơ hội tốt để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm ở một thị trường mới rất tiềm năng cho các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ du lịch ở Thừa Thiên - Huế.

 

Năm 2016, Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón từ 3,5 đến 4 triệu lượt khách; trong đó, có khoảng 45% là khách quốc tế.../.