Báo cáo về tình hình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ 6 tháng đầu năm cho thấy, tổng giá trị các hiệp định ký kết có chiều hướng giảm. Đây là một xu hướng chung hiện nay khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình từ năm 2010, đồng thời phù hợp với chính sách huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi đặt trọng tâm vào chất lượng, hiệu quả sử dụng.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng ngồn vốn ODA, mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi yêu cầu các bộ ngành liên quan phải nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đảm bảo an toàn nợ công bền vững... Cụ thể, để tạo sự đột phá về tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp quán triệt nghiêm túc thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ thời kỳ 2016 –2020.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng và sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 16/2016/NĐ-CP; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời về những vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt là các dự án trọng điểm...
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ về cho vay lại đối với chính quyền địa phương; sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho chương trình, dự án đầu tư vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xác định ngưỡng an toàn trong vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, không ảnh hưởng đến trần nợ công... để nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đồng thời đảm bảo an toàn nợ công bền vững.
Đồng thời, các cơ quan chủ quản và chủ dự án phải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị, thiết kế đi đôi với tăng cường vai trò và trách nhiệm giám sát chất lượng của cấp có thẩm quyền thông qua quá trình thẩm định và phê duyệt văn kiện và các tài liệu thiết kế chương trình, dự án, bảo đảm quy mô phù hợp với khả năng bố trí vốn của cơ quan chủ quản và chủ đầu tư, hạn chế tối đa các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện để tránh gây lãng phí và kéo dài thời gian thực hiện chương trình, dự án, thực hiện các giải pháp xử lý vướng mắc của những chương trình, dự án chậm tiến độ. Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi, cơ quan chủ quản, chủ dự án phối hợp với các nhà tài trợ định kỳ tổ chức cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện chương trình, dự án, tăng cường công tác kiểm tra thực địa, giám sát và đánh giá để xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi./.