Nhiều sự kiện khoa học và công nghệ quan trọng được kết luận và làm rõ

14:21, 05/07/2016

Ngày 5/7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ cung cấp thông tin về hoạt động 6 tháng đầu năm và trả lời trực tiếp những vấn đề báo chí và dư luận quan tâm. Theo đó, quý II/2016 được Bộ đánh giá diễn ra nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng. Đó là hạn hán, xâm nhập mặn; sự cố môi trường; ngày khoa học và công nghệ...

Tại cuộc họp báo, vấn đề được quan tâm vẫn là việc xảy ra sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Với vai trò, chức năng quản lý của mình, Bộ chủ trì phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và các Bộ, ngành thành lập Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ quốc gia, huy động hơn 100 nhà khoa học chuyên ngành hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường có chứng cứ, bổ sung dữ liệu đánh giá, tăng cường độ tin cậy, khách quan trong việc kết luận nguyên nhân hải sản chết hàng loạt tại miền Trung. Chiều ngày 30/6, tại phiên họp báo Chính phủ, nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết bất thường đã được công bố. Sau khi có kết luận, Bộ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị tham gia khắc phục sự cố môi trường trong phạm vi quản lý của mình.

 

Liên quan đến việc sử dụng công nghệ khi đầu tư của Formosa, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Tại thời điểm Formosa đầu tư thì cơ quan chịu trách nhiệm xem xét, phê duyệt đầu tư là Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Theo quy định, tỉnh Hà Tĩnh có gửi công văn kèm theo Báo cáo tiền khả thi cho Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2008 xin ý kiến. Với nội dung thông tin trong Báo cáo tiền khả thi, là báo cáo sơ bộ, chưa có nội dung đầu tư thì Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời: Công nghệ lò cao truyền thống là công nghệ phổ biến được các nhà máy thép trên thế giới sử dụng và đây không phải công nghệ mới. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình tiếp theo, Bộ Khoa học và Công nghệ không thẩm định mà do Bộ Công Thương thẩm định nên trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương và việc thay đổi công nghệ của Formosa cũng do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm.

 

Vấn đề "tàu ngầm" Hoàng Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa thử nghiệm vừa qua được ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ: Tàu Hoàng Sa của ông Nguyễn Quốc Hoà chưa đủ điều kiện để gọi là tàu ngầm mà chỉ được gọi là tàu lặn hoặc phương tiện lặn bởi tàu ngầm phải đạt các điều kiện và tiêu chí quân sự. Tàu lặn Hoàng Sa của ông Nguyễn Quốc Hoà đã được Bộ Quốc Phòng, Bộ Tư lệnh hải quân lên phương án đánh giá tàu lặn và vừa qua Viện Kỹ thuật Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân đã tiến hành thực nghiệm ở trạng thái nổi (pha nổi) và kết quả thành công. Hiện tàu lặn phải thực nghiệm ở trạng thái lặn (pha chìm) để đảm bảo quy trình. Dự kiến, sẽ có một buổi thực nghiệm pha chìm để đánh giá toàn bộ tàu lặn Hoàng Sa của ông Hoà và hy vọng sẽ đạt được kết quả tốt.

 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết: Trong quý II, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện, trình Thủ tướng phê duyệt Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"; Quyết định 895/QĐ-TTg ngày 26/5/2016 về việc thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đợt 5; Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỉ lệ 1/5.000 Khu công nghệ cao Hoà Lạc đến năm 2030; Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Bộ cũng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành nhiều văn bản như: Thông tư 07/2016/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025; Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp...

 

Bên cạnh công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo quan trọng như: Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới; Tổng kết các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước; Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trung tâm chiếu xạ Hà Nội; Khai trương Trung tâm đổi mới công nghệ Việt - Hàn về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Hoạt động chiếu xạ vải thiều xuất khẩu... Đặc biệt, nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam cũng đã diễn ra các sự kiện gồm: Trao giải thưởng Tạ Quang Bửu; Giải thưởng chất lượng quốc gia; Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á Thái Bình Dương năm 2015 và Lễ tôn vinh 20 năm Giải thưởng Chất lượng quốc gia; Ngày hội STEM năm 2016...

 

Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về khoa học và công nghệ và tổ chức các sự kiện theo kế hoạch như: Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12; Trao giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ.../.