Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập

16:54, 29/07/2016

Ngày 29/7 tại Hà Nội, Trung tâm Thiên nhiên và Con người Việt Nam phối hợp với Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam, Liên minh Khoáng sản tổ chức Hội thảo "Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và khuyến nghị", nhằm tạo diễn đàn thảo luận về thực trạng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và vấn đề quản lý vốn đầu tư nhà nước trong lĩnh vực khai khoáng.  

Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Thiên nhiên và con người Việt Nam cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về khoáng sản với hơn 5000 điểm mỏ và 60 loại khoáng sản khác nhau. Từ năm 1955, Việt Nam bắt đầu tiếp quản, duy trì và phát triển ngành công nghiệp này.

 

Các doanh nghiệp khai khoáng nhà nước được thành lập, phát triển, mở rộng quyền tự chủ kinh doanh trong giai đoạn từ 1981 đến 1991. Sau những năm 1989, các doanh nghiệp nhà nước dần được cấu trúc lại. Khi đó, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vai trò quan trọng được thay thế bằng mô hình tổng công ty và gần đây là các mô hình tập đoàn.

 

Trên thế giới hiện nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong khai thác tài nguyên. Tại một số quốc gia, khai thác tài nguyên chủ yếu do nhà nước chi phối thông qua các doanh nghiệp nhà nước. Tại một số quốc gia khác, nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân. Các quốc gia còn lại đã kết hợp cả hai mô hình với sự tham gia đồng thời của cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Câu hỏi được đặt ra là Việt Nam nên tiếp tục duy trì mô hình nhà nước đầu tư khai thác khoáng sản hay thúc đẩy cải thiện môi trường pháp lý để thu hút đầu tư tư nhân?

 

Đối với Việt Nam, DNNN nói chung và DNNN khoáng sản nói riêng "giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, là công cụ vật chất quan trọng để nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế vĩ mô, lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa". Hiện trên cả nước có khoảng 170 DNNN hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Nhưng hoạt động chủ yếu tập trung vào nhóm 5 (than đá, than bùn, dầu mỏ, ga) gồm tập đoàn và tổng công ty lớn.

 

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng những bất cập trong quản lý hoạt động khoáng sản là do công tác quản lý hoạt động này còn tồn tại nhiều vấn đề, dẫn đến tình trạng khai thác một số loại khoáng sản vượt quá quy hoạch, gây lãng phí lớn, mất an toàn lao động và tác động xấu đến môi trường. T rữ lượng khoáng sản đã được thăm dò, phê duyệt bởi các cơ quan có thẩm quyền còn rất hạn chế, độ tin cậy thấp, dẫn đến nhiều mỏ, nhiều khu vực đầu tư đào lò mở mỏ rất tốn kém nhưng không gặp khoáng sản.

 

Bên cạnh đó, bộ máy thanh tra chuyên ngành khoáng sản còn phân tán, thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ nên công tác này chưa phát hiện kịp thời những bất cập trong quản lý và hoạt động khoáng sản, chưa thực sự giúp cho ngành khai khoáng phát triển bền vững, còn để xảy ra nhiều tiêu cực trong hoạt động và quản lý. Cụ thể như nạn khai thác khoáng sản không phép, khai thác tự do, nhất là đối với khai thác vàng, đá quý, chì, kẽm, đồng, than... chưa được ngăn chặn hoặc ngăn chặn chưa triệt để.

 

Theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương quản lý lãnh thổ nói chung và quản lý tài nguyên khoáng sản nói riêng, nhưng một số nơi không thực hiện đầy đủ chức năng quản lý để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường... và không giải quyết dứt điểm. Một số địa phương cấp phép khai thác, nhưng không thực hiện việc giám sát các hoạt động khoáng sản trên địa bàn, không đủ năng lực giám sát về hành chính, kỹ thuật, đặc biệt là về môi trường và tổn thất tài nguyên...

 

Các chuyên gia đều thống nhất ý kiến, tất cả tài nguyên khoáng sản là của quốc gia và phải quản lý theo luật thống nhất. Tiền thuế thu được phải thiết lập thành một quỹ để tái tạo về tài nguyên môi trường. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất Bộ Tài nguyên Môi trường cần đánh giá lại trữ lượng khoáng sản của Việt Nam hiện nay.

 

Cho đến nay, tình hình khai thác khoáng sản đang là vấn đề thời sự nóng bỏng. Từ đầu năm đến nay, ở nhiều địa phương xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhưng các biện pháp quản lý, ngăn chặn chưa hiệu quả. Ngành địa chất đã phát hiện trong nước có trên 5.000 mỏ và điểm khoáng sản nhưng để quản lý được nguồn tài nguyên này không bị đào bới khai thác trái phép không đơn giản. Hiện có trên 1.500 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thăm dò khai thác và chế biến khoáng sản. Ngoài những khu mỏ lớn đang khai thác công nghiệp, phần lớn các điểm có khoáng sản quặng sắt, đồng, chì thiếc, cromit, titan, vàng, niken... trữ lượng chỉ ở mức trung bình và nhỏ, nằm rải rác ở những nơi vùng sâu vùng xa, điều kiện khai thác khó khăn nên công tác quản lý cũng bị buông lỏng./.