Sáng 27-8, trong chuỗi hoạt động Tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn T.P Hà Nội năm 2016, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu Thắp sáng ước mơ thủ khoa Hà Nội 2016 với chủ đề “Thủ khoa với khởi nghiệp”.
Với mong muốn thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết và cống hiến của Thủ khoa Hà Nội, tham gia giao lưu, 100 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc cùng đông đảo đoàn viên thanh niên Thủ đô đã được nghe các doanh nhân trẻ thành đạt của Thủ đô chia sẻ bí quyết và kinh nghiệm khởi nghiệp.
Chia sẻ những điều kiện trở thành doanh nhân, anh Nguyễn Xuân Phú (Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Sunhouse) tâm sự: Lúc trẻ, lựa chọn nghề nghiệp, trường đại học để thi, anh Phú băn khoăn mãi bởi từ nhỏ bản thân anh đã ao ước trở thành nhà toán học. Hồi ấy, cả làng chỉ có 1-2 cái ti vi, nhìn hình ảnh nước ngoài thấy khác nước mình, thấy cuộc sống của họ sung túc hơn mình… anh Phú bắt đầu thay đổi suy nghĩ, không theo ngành toán học nữa mà thi kinh tế để tìm hiểu tại sao đất nước mình nghèo. Khi học xong trường kinh tế, rời vòng tay bố mẹ, không nhận được tiền “viện trợ” của gia đình thì anh bắt đầu suy nghĩ đến việc khởi nghiệp như thế nào, bắt đầu từ đâu. Ngày nay, rất ít bạn trẻ hiểu rõ khởi nghiệp là như thế nào và hầu như chưa có động lực để bắt đầu khởi nghiệp.
Anh Trần Quân, chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển, chia sẻ: “6 năm trước, tôi cũng giống như các bạn ở đây, tham dự lễ tuyên dương sinh viên tiêu biểu toàn quốc, có cơ hội được tiếp xúc với các bạn thủ khoa. Đó là các bạn rất xuất sắc, có tố chất, lập hội sinh viên tiêu biểu 2010”. Còn trẻ, sinh năm 1989, được tiếp xúc với nhiều môi trường kinh doanh hiện đại lớn như vậy, nhưng mong muốn khởi nghiệp của anhh Quân không phải là cái gì quá xa vời. Anh bắt nguồn khởi nghiệp từ cách thái miếng thịt, bán cọng rau, giải quyết vấn nạn thực phẩm bẩn cho 50. 000 hộ gia đình. Anh Quân tâm sự: “Ước mơ của tôi là mở được chuỗi 1.000 cửa hàng thực phẩm sạch trong cả nước. Ước mơ để thay đổi vấn nạn thực phẩm bẩn như hiện nay và thay đổi thực trạng phân phối nông sản Việt đang còn nhiều bất cập. Khó khăn luôn có nhưng phải luôn có đam mê, khát vọng, ý chí để vượt qua khó khăn ấy”.
Giải đáp thắc mắc của bạn Phạm Thị Ngọc Anh (thủ khoa Đại học Ngoại thương) băn khoăn: “Trong số 100 thủ khoa xuất sắc năm 2016, có đến 30 bạn thuộc lĩnh vực kinh tế, các khách mời có lời khuyên gì dành cho thủ khoa nói chung, thủ khoa ngành kinh tế nói riêng trên con đường lập nghiệp?”, anh Nguyễn Xuân Phú chia sẻ: “Khi làm gì đó, hãy cảm nhận khát khao, mong muốn cái gì để có động lực. Khởi nghiệp không phải là làm kinh tế, nếu thích hát hãy hát thật hay, chơi game hãy học chơi game thật giỏi”.
Ở một góc độ khác, anh Lê Vĩnh Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP quốc tế Sơn Hà, lại có cách nhìn khác thực tế: “Ngành kim khí xuất phát từ gia truyền, hãy khởi nghiệp với những gì mình hiểu nhất, đừng khởi nghiệp những gì quá xa vời. Cuộc sống phân bổ cơ hội cho tất cả mọi người. Ai càng chủ động nhiều thì càng có nhiều cơ hội để đến thành công”. Mặt khác, mỗi thủ khoa cũng cần tự hỏi xem bản thân mình có thật sự là người muốn làm doanh nhân hay không, mình có sở trường gì để có thể phát huy sở trường đó thì mới có thể khởi nghiệp thành công được… “Đừng lo mình bị trễ, hãy đi đúng quy trình, bạn sẽ thành công” – anh Sơn nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn ở góc cạnh kinh tế, TS Phạm Thị Thu Hằng (Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp Việt Nam) nhận định: Khó khăn của các bạn chính là cơ hội của người khác. Để khởi nghiệp, các bạn cần quan tâm đến các vấn đề của xã hội, tạo nên cơ hội kinh doanh và nắm bắt được cơ hội đó. Theo TS Hằng: “Có 3 yếu tố để trở thành người thành công: Phải đam mê, có kỹ năng, có lợi nhuận. Thực tế cho thấy vấn đề kỹ năng, sáng tạo trong kinh doanh rất quan trọng. Nếu các bạn nhìn thấy cơ hội, cần chuẩn bị kĩ năng kinh doanh và kĩ thuật. Nếu chưa đủ điều kiện này, thì bạn cần thử làm việc tại doanh nghiệp lớn, học hỏi kinh nghiệm của họ, kĩ thuật của họ, bí quyết của họ, sau này vận dụng nó vào chính công việc của mình sau này. Đó là con đường học tập để khởi nghiệp nhanh nhất”.
Được lắng nghe kinh nghiệm của các chuyên gia kinh tế, các doanh nhân, thủ khoa Vũ Thị Thanh Mai (ĐH Dân lập Phương Đông) rất phấn khởi: Với em đây thực sự là một cơ hội rất lớn. Sinh viên chúng em là những người trẻ có ý tưởng, song lại thiếu kinh nghiệm nên việc khởi nghiệp từ bây giờ là một thách thức. Với những nội dung được chia sẻ trong buổi giao lưu ngày hôm nay, chúng em đã có thêm kinh nghiệm để tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết nhất để bắt đầu khởi nghiệp.
Với các thủ khoa xuất sắc thành phố Hà Nội năm 2016, chương trình giao lưu “Thủ khoa với khởi nghiệp” đã thực sự đem đến cho họ ngọn lửa nhiệt huyết và cống hiến, phấn đấu làm giàu cho bản thân và cho đất nước.