Kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam

18:34, 10/08/2016

Sáng 10-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2016). Tham dự buổi lễ có: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương, Thành phố Hà Nội; đại diện các nạn nhân chất độc da cam.

Phát biểu tại lễ mít tinh, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời thăm hỏi, chia sẻ, cảm thông sâu sắc đến toàn thể nạn nhân chất độc da cam.

 

Chủ tịch nước khẳng định, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chủ trương, chính sách giải quyết hậu quả chất độc da cam. Hằng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam do Chính phủ ban hành đã được lồng ghép với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương, được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc da cam, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường do chất da cam/dioxin gây ra đã được triển khai tích cực với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân...

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, khắc phục hậu quả chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là lương tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Làm tốt công tác này không những củng cố sự đồng thuận về tư tưởng, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, đạo đức xã hội, mà còn tích cực thúc đẩy phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, hợp tác phát triển tiến bộ xã hội, vì “một thế giới xanh”, không có vũ khí hóa học.

 

Theo đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các bộ, ban, ngành Trung uơng và địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết hậu quả chất độc da cam. Tập trung đổi mới, đa dạng hóa, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài, nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam, tích cực hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bằng hành động cụ thể với tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm cao nhất. Chú trọng xây dựng, nâng cấp trang thiết bị các cơ sở khám chữa bệnh, giải độc, phục hồi chức năng, chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam, các cơ sở tư vấn sinh sản và di truyền, chẩn đoán trước sinh ở các vùng bị ô nhiễm chất độc hóa học.

 

Đồng thời quan tâm giúp đỡ người dân vùng bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nạn nhân chất độc da cam, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thông qua các chương trình an sinh xã hội gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam để kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 

Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành, địa phương có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam với những hình thức và bước đi phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Tăng cường vận động chính giới Hoa Kỳ, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức từ thiện, nhân đạo, các đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tích cực tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chăm sóc và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

 

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò tích cực của Hội trong công tác tham mưu đề xuất và huy động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam....

 

Chủ tịch nước kêu gọi các cá nhân và tổ chức quốc tế, nhân dân các nước trên thế giới tiếp tục cuộc đồng hành nhân ái, vì hòa bình, công lý, chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam và làm mọi cách để ngăn chặn chiến tranh hóa học ở bất cứ đâu trên thế giới trong tương lai.

 

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gắn Huân chương Lao động hạng Nhất

lên Cờ truyền thống của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Ảnh: KT)

 

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhấn mạnh: từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun, rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa ít nhất 366 kg dioxin - chất độc nhất trong các chất độc mà con người từng biết - xuống gần ¼  diện tích miền Nam Việt Nam, làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Dioxin có thể tác động xấu đến nhiều hệ thống của cơ thể như nội tiết, miễn dịch, sinh sản; nạn nhân chất độc da cam thường mắc  những căn bệnh hiểm nghèo và nhiều chứng bệnh cùng một lúc. Nhiều người bị tước mất những quyền cơ bản của con người, trước hết là quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhiều phụ nữ bị mất quyền làm mẹ; rất nhiều trẻ em ra đời bị dị dạng, dị tật bẩm sinh do chất dioxin. Đặc biệt, ảnh hưởng của chất dioxin có thể gây tác hại đến hệ di truyền, và thực tế là ở Việt Nam đã xuất hiện nạn nhân thế hệ thứ 4...

 

Phát biểu tại lễ mít tinh, đại diện nạn nhân chất độc da cam – bà Phạm Thị Nhí, 50 tuổi, quê Tam Lộc, Tam Kỳ, Quảng Nam chia sẻ “Chiến tranh đã qua từ lâu nhưng thảm họa da cam vẫn còn đó và không biết đến khi nào mới có điểm dừng. Tất cả nạn nhân chất độc da cam chúng tôi luôn luôn tâm niệm một điều khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Điều đó không có nghĩa là phía Mỹ có thể quên đi trách nhiệm khi họ đã dùng chất độc hóa học gây ra thảm họa kinh hoàng cho dân tộc chúng tôi. Chúng tôi muốn có sự phát xét công bằng, công minh của công lý, của lương tri và lẽ phải, ngõ hầu trả lại sự thanh thản cho những kiếp người đã phải chết tức tưởi, những thân phận đang bị dày vò, sống dở chết dở bởi hậu quả chất độc da cam.

 

Trong khi đó, bà Susan Schnall - một cựu chiến binh của Hải quân Hoa Kỳ, hiện là Chủ tịch của Chi hội Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình Thành phố New York đồng thời là thành viên ban lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Chống Chiến tranh Việt Nam khẳng định: “55 năm sau đợt phun rải chất độc da cam/dioxin đầu tiên, Hoa Kỳ và Việt Nam đã hòa giải và đã xây dựng các hiệp định thương mại. Nhưng, chúng tôi, những người cựu chiến binh Mỹ - vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng tôi cam kết sẽ hành động cùng các bạn, hướng tới khắc phục hậu quả lâu dài của cuộc chiến này, làm sạch các vùng đất bị ô nhiễm mà chúng tôi đã bỏ lại phía sau và chữa lành vết thương cho con người”./.