Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

15:30, 24/08/2016

Sáng 24-8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng. Tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành, thị trong tỉnh.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian qua, các vi phạm pháp luật về môi trường bùng phát, xảy ra những sự cố nghiêm trọng về môi trường, gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân. Vấn đề này đã được Chính phủ chỉ đạo xử lý quyết liệt nhưng do nhiều nguyên nhân, những yếu kém chưa được giải quyết triệt để. Do vậy, tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung đánh giá tổng thể các vấn đề môi trường bức xúc trong giai đoạn hiện nay; tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước dẫn đến tình trạng ô nhiêm môi trường như hiện nay; đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững đất nước; sau Hội nghị, các địa phương phải có nghị quyết chuyên đề, đề án giải quyết vấn đề môi trường...

 

Theo báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, hiện nay, nguồn nước mặt ở một số nơi bị ô nhiễm, nhất là trong các khu đô thị, xung quanh các khu công nghiệp, làng nghề; chất lượng nguồn nước biển bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực như vùng biển ven bờ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Tại các điểm, nút giao thông, các công trường, khu vực xây dựng, ô nhiễm không khí có dấu hiệu gia tăng, nhất là trong các đô thị lớn. Môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Hằng năm, cả nước sử dụng hơn 100 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn rác thải công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại; cả nước có 458 bãi chôn lấp rác thải thì có đến 337 bãi chô lấp không hợp vệ sinh... Sau Hội nghị, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường đến năm 2020.

 

Riêng đối với Thái Nguyên, vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp và tại các khu đô thị đã được tỉnh tập trung chỉ đạo kiểm soát. Theo đó, tỉnh ta đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước vè công tác bảo vệ môi trường bằng các chương trình, kế hoạch, đề án bảo vệ môi trường. Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường được chú trọng ngay từ khâu quy hoạch, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, quan trắc môi trường, công tác thanh, kiểm tra kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức bao vệ môi trường... Nhờ vậy, tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp đã và đang từng bước được kiềm chế trong bối cảnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trong tỉnh ngày càng tăng nhanh; tỷ lệ rác thải sinh hoạt, y tế tại các đô thị được thu gom, xử lý tăng dần. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hầu hết các khu đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; rác thải chủ yếu vẫn là chôn lấp, chưa đảm bảo hợp vệ sinh; công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản của một số doanh nghiệp còn lạc hậu, phát thải lớn, tác động xấu đến môi trường, làm nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột giữa doanh nghiệp và người dân, điển hình như ở mỏ khai thác khoáng sản Núi Pháo; ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cũng đang trở thành vấn đề bức xúc nhất hiện nay...