Ung thư cổ tử cung - mối nguy đối với sức khỏe của phụ nữ

09:17, 19/08/2016

Vi rút HPV gây nên 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung ảnh hưởng đến 500.000 phụ nữ trên toàn cầu và hơn ½ số này tử vong mỗi năm. Phần lớn tỷ lệ tử vong đến từ các nước châu Á. Ung thư cổ tử cung vẫn còn là gánh nặng của toàn cầu và Việt Nam.

Tại Việt Nam, mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung. Phụ nữ trong nhóm nguy cơ bị ung thư cổ tử cung (từ 15 tuổi trở lên) khoảng 36,39 triệu người; tỷ lệ phụ nữ (từ 18 – 69 tuổi) được sàng lọc ung thư cổ tử cung khoảng 4,5- 5,0%. Hiện nước ta đang áp dụng 3 phương pháp sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung gồm: Xét nghiệm tế bào cổ tử cung, VIA (là phương pháp quan sát cổ tử cung bằng mắt thường với dung dịch axit Axetic 3 đến 5%) và xét nghiệm HPV DNA (là xét nghiệm sàng lọc đầu tay, theo dõi bằng xét nghiệm tế bào học).

 

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ nữ trong độ tuổi từ 21-70 đã quan hệ tình dục, đặc biệt là độ tuổi từ 30-50 cần phải làm xét nghiệm sàng lọc phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung. Theo đó, phụ nữ từ 21-29 tuổi cần làm xét nghiệm sàng lọc bằng tế bào cổ tử cung hoặc VIA 2 năm/lần. Phụ nữ từ 30-70 tuổi cũng phải làm xét nghiệm này 2 năm/lần và sau 3 lần âm tính với vi rút HPV thì cách 3 năm mới phải làm xét nghiệm 1 lần. Phụ nữ trên 70 tuổi ngừng sàng lọc nếu có ít nhất 3 lần âm tính với vi rút HPV hoặc không có bất thường trong 10 năm.

 

Có hơn 100 chủng HPV, trong đó có 14 chủng được xem là nguy cơ cao gây nên ung thư cổ tử cung. Chủng vi rút HPV 16 và HPV 17 gây nên 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Chính vì vây, Việt Nam cần có chiến lược hiệu quả hơn để sàng lọc nguy cơ ung thư cổ tử cung...