Nhức nhối nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

09:24, 20/09/2016

Nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là tình trạng chung đang xảy ra tại hầu hết các địa phương. Theo thống kê của ngành Thuế, hiện cả nước có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên con số thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy chỉ có 200 nghìn doanh nghiệp (chiếm khoảng 40%) đang tham gia Bảo hiểm xã hội.

* Khó nắm bắt số liệu người tham gia

 

Cơ quan Bảo hiểm xã hội gặp rất nhiều khó khăn trong việc nắm chính xác số liệu đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý, nắm bắt số doanh nghiệp mới thành lập, đang hoạt động, thay đổi địa chỉ. Nhiều trường hợp doanh nghiệp thay đổi địa bàn hoạt động nhưng không thông báo cho cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng như các cơ quan quản lý nhà nước; hoặc doanh nghiệp có chủ nước ngoài bỏ trốn nên không xác định được địa chỉ để theo dõi.

 

Bên cạnh đó, một vấn đề mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phải đối mặt, đó là tình trạng doanh nghiệp tìm mọi cách để lách luật, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như ký nhiều hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng; thậm chí có doanh nghiệp thỏa thuận (trái luật) với người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đa số doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động chỉ ghi mức tiền lương và các khoản phụ cấp đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp hơn mức thu nhập thực tế mà doanh nghiệp trả cho người lao động.


“Một số địa phương có tình trạng một số doanh nghiệp “bán chui” nhà xưởng và tài sản cho người khác để trốn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp cũ “biến mất” trong khi doanh nghiệp mới chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hàng chục tỷ đồng” - ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết.


Câu chuyện “sa thải” hàng nghìn công nhân mỗi năm của Công ty Honda Việt Nam là một minh chứng cho những bất cập trong quản lý, nắm bắt đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thời gian qua.


Theo con số rà soát, đối chiếu, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại Honda Việt Nam của Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm kết thúc năm 2015 là 7.827 người, vào ngày 31/7/2016 là 7.586 người. Năm 2015, Công ty Honda Việt Nam báo tăng 2.228 người, giảm 2.966 người; 7 tháng năm 2016 tăng 740 người, giảm 981 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Số tiền cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thu trong năm 2015 là hơn 127,5 tỷ đồng; 7 tháng năm 2016 là 86,1 tỷ đồng. Đ ến nay, việc có phải Honda Việt Nam sai thải người lao động để tránh tăng lương, đóng bảo hiểm xã hội, hay chỉ là kết thúc, chấm dứt hợp đồng lao động, vẫn đang chờ giải đáp từ phía cơ quan chức năng. Song, điều có thể thấy rất rõ là cách làm của Honda Việt Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động. "Việc tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng là do nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật về lao động" - ông Trần Đình Liệu nêu quan điểm. Với chức năng của mình, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ có thể thực hiện điều chỉnh giảm lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo danh sách Công ty này gửi đến.


* Nhức nhối nợ bảo hiểm

 

Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng đang là vấn đề nhức nhối hiện nay. Số liệu cập nhật của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến ngày 31/7 cho thấy số nợ đã lên đến 13.934,5 tỷ đồng, chiếm 6,4% so với kế hoạch giao thu. Chỉ trong vòng một tháng, từ ngày 30/6 – 31/7, số nợ đã tăng thêm tới 1.123,9 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp cố tình dây dưa nợ đọng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Thậm chí, có tình trạng doanh nghiệp đã trừ tiền lương của người lao động với lý do thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhưng lại sử dụng tiền vào những mục đích khác.


Ông Trần Đình Liệu cho hay, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; ảnh hưởng đến an toàn, cân đối Quỹ cũng như làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu về các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.


Lý giải về nguyên nhân của tình trạng trốn đóng và chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ông Trần Đình Liệu cho biết phần lớn là do ý thức chấp hành pháp luật Bảo hiểm xã hội của chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là khu vực ngoài nhà nước, thường trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng vào Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, chưa quan tâm đến quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động. Trong khi đó, nhiều tổ chức Công đoàn cơ sở chưa mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi này cho người lao động. Bản thân người lao động cũng sợ mất việc làm nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình.


Điều 122, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội. Nếu không thực hiện, theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng khác có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của chủ doanh nghiệp để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Song quy định này đến nay chưa thực hiện được là bao. Luật cũng đã trao cho cơ quan Bảo hiểm xã hội “cây gậy” thanh tra chuyên ngành và xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2016 nhưng chức năng này vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị các điều kiện để thực hiện và mới tiến hành thanh tra thí điểm ở một số địa phương.


* Tăng cường thanh, kiểm tra


Thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương là giải pháp tổng thể để Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết sẽ chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan thuế; kế hoạch - đầu tư; Ban quản lý các khu công nghiệp..., về đăng ký doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp thuế của các doanh nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra đôn đốc doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, kiên quyết xử lý đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.


Ông Trần Đình Liệu cũng cho rằng ngoài sự chủ động của ngành bảo hiểm xã hội, rất cần sự vào cuộc và cùng chia sẻ trách nhiệm của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương. 5 cơ quan gồm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp, giám sát liên ngành về việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động, giáo dục với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, chủ sử dụng lao động và người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.


Bên cạnh đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thông tin, báo cáo kịp thời tình hình vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tới cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước liên quan để có hướng chỉ đạo giải quyết, xử lý kịp thời; công khai thông tin về các đơn vị trốn đóng, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số lượng lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi trực tiếp đến tổ chức công đoàn hoặc đại diện người lao động./.