Ngày 14/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dược liệu” với sự tham gia của các Vụ, Cục liên quan và các công ty dược phẩm trong cả nước.
Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết: Hàng năm, ngành dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc). Như vậy, 1.400 tấn dược liệu nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng là rất ít so với nhu cầu sử dụng dược liệu hiện nay. Qua đây có thể thấy tình hình dược liệu vận chuyển lậu đang diễn biến phức tạp.
Hiện nay, dược liệu thông quan qua cửa khẩu còn rất nhiều tồn tại như: Dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng qui định, phần lớn được đóng gói trong bao dứa, thùng giấy nên không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng. Dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường giống nông sản, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng các dược liệu.
Bên cạnh đó, công tác đấu thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền còn gặp nhiều khó khăn như: Không có qui định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc cổ truyền; giá dược liệu, vị thuốc cổ truyền biến động rất nhiều theo thời vụ và thị trường; giá trúng thầu của các tỉnh chênh lệch nhau nhiều. Mặt khác, nhiều cơ sở chưa có đủ điều kiện để chế biến dược liệu cũng tham dự đấu thầu các vị thuốc cổ truyền...
Trước tình hình trên, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã kiến nghị: Thời gian tới, Bộ Y tế cần nhân rộng các mô hình nuôi trồng, sản xuất dược liệu có hiệu quả; tăng cường hỗ trợ cá nhân, tổ chức nuôi trồng dược liệu; tăng cường kiểm tra chất lượng dược liệu tại các cơ sở kinh doanh dược liệu. Đồng thời, ngành y tế tăng cường xây dựng, ban hành tiêu chuẩn dược liệu sau chế biến; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sinh học trong việc tạo giống dược liệu chất lượng cao đối với một số dược liệu chủ yếu...
Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương nêu rõ: Về năng lực kiểm soát chất lượng dược liệu, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khả năng đáp ứng cơ bản các điều kiện về trang thiết bị, hóa chất, dung môi thử nghiệm cho các chỉ tiêu về kiểm nghiệm dược liệu. Hiện trong toàn quốc đã có 38 Trung tâm kiểm nhiệm được trang bị các thiết bị đủ khả năng đáp ứng yêu cầu cơ bản cho kiểm nghiệm dược liệu. Viện đã chủ động phối hợp với các vụ, cục chức năng của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) thực hiện nhiều chương trình khảo sát thuốc đông dược, dược liệu. Tuy nhiên, hoạt động giám sát chất lượng dược liệu và thuốc đông dược còn gặp nhiều khó khăn như: Trang thiết bị của hệ thống kiểm nghiệm còn thiếu và sử dụng kém hiệu quả; nhiều Trung tâm kiểm nghiệm còn chưa đủ những trang thiết bị phân tích để kiểm nghiệm các thuốc thiết yếu. Hệ thống kiểm nghiệm rất thiếu dược liệu chuẩn cũng như chất chuẩn chiết từ dược liệu phục vụ công tác kiểm tra giám sát chất lượng dược liệu và thuốc đông dược...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung chính như: Tăng cường quản lý chất lượng dược liệu trong nuôi trồng, lưu thông, sử dụng và đấu thầu mua sắm dược liệu; giải pháp bảo đảm chất lượng dược liệu thu hái và nuôi trồng trong nước; năng lực kiểm soát chất lượng dược liệu của hệ thống kiểm nghiệm từ Trung ương đến địa phương.../.