Chiều 30-9, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp phiên thường kỳ quý III/2016 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng khoảng 5,93%, trong đó quý III tăng 6,4%, tuy thấp hơn so với mức 6,87% của cùng kỳ năm 2015 nhưng đã tăng khá cao so với quý II và quý I/2016. Ước tính tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt khoảng từ 6,3-6,5%.
Lạm phát 9 tháng đầu năm 2016 vẫn ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8, tăng 3,14% so với tháng 12-2015 và tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo, lạm phát trong năm 2016 sẽ được kiểm soát dưới 5% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, GDP của quý IV/2016 phải tăng 8,3% thì mới có thể đạt được mức tăng 6,5% cho cả năm, trong khi bình quân quý IV các năm trước chỉ tăng khoảng 5,6-7%. Phó Thống đốc cũng nhận định, diễn biến lạm phát cơ bản ổn định, tháng 9 so với cuối 2015 tăng 1,58%, cùng kỳ tăng 1,85% vẫn trong khoảng dao động hẹp. Thách thức điều hành tiền tệ cơ bản ổn định. Trong điều kiện lạm phát như vậy thì có dư địa điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017, nền kinh tế nước ta bên cạnh một số thuận lợi sẽ phải đối mặt với những khó khăn. Dự kiến, GDP năm 2017 tăng 6,7%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, tổng đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng trên 31,5%.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng đề nghị các thành viên tiếp tục bám sát diễn biến tình hình tài chính quốc tế để tiếp tục thảo luận, tham mưu với Chính phủ trong điều hành nền kinh tế.
Từ một số kiến nghị của các thành viên, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng; rà soát lại các gói tín dụng ưu tiên trên cơ sở phân định được chính sách tài khóa và các công cụ của hệ thống ngân hàng; nghiên cứu tăng huy động trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại.