Qua thực hiện chương trình bẫy ảnh, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Thừa Thiên - Huế phát hiện 9 loài động vật đang bị đe dọa ở cấp độ toàn cầu, trong đó có hai loài cầy đang ở tình trạng nguy cấp theo sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) là cầy vằn (Owston’s Civet Chrotogale owstoni) và cầy giông sọc (Large-spotted Civet Viverra megaspila).
Loài cầy giông sọc mới chỉ được ghi nhận lần đầu trong tự nhiên bằng phương pháp bẫy ảnh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền gần đây nhất vào tháng 6/2016. Hiện tại, cầy giông sọc được cho là "có thể đã tuyệt chủng ở Trung Quốc và Việt Nam". Trong khi đó, loài cầy vằn ở Việt Nam hiện mới chỉ được ghi nhận qua bẫy ảnh ở hai nơi là: Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền năm 2016 và Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế năm 2015. Việc ghi nhận hai loài cầy nói trên có ý nghĩa to lớn về khoa học và bảo tồn đối Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Hiện nay, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm gà lôi lam mào trắng - hay còn gọi là một loài chim trĩ đặc hữu của Việt Nam đang trong tình trạng "rất nguy cấp" theo sách đỏ của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN, bằng phương pháp bẫy ảnh tại 4 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế) từ năm 2011 đến nay. Tuy vẫn chưa tìm thấy gà lôi lam mào trắng ở ngoài thiên nhiên hoang dã qua kết quả bẫy ảnh, nhưng vẫn hy vọng tiếp tục phát hiện nhiều loài quý hiếm khác, kể cả gà lôi lam mào trắng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Được thành lập từ năm 2002, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có diện tích 41.433ha, thuộc địa bàn hai huyện Phong Điền và A Lưới, giáp ranh với Khu bảo tồn Đakrong (Quảng Trị). Đây là một trong số những khu bảo tồn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền hiện ẩn chứa nhiều giá trị về đa dạng sinh học. Tại đây, còn có hai loài lần đầu tiên ghi nhận cho khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền là sao la và mang lớn. Đây cũng là hai loài thú lớn hiện tại chỉ được biết đến từ Việt Nam và Lào. Nhiều loài chim quý khác cũng được phát hiện ở đây như gà so Trung bộ, gà so ngực gụ, trĩ sao... Bên cạnh đó nhiều loài thú quý hiếm cũng liên tục được phát hiện tại khu bảo tồn như: Hổ (Panthera tigris), báo gấm (Pardofelis nebulosa), gấu ngựa (Ursus thibetanus), vượn đen má hung (Hylobates gabriellae)...
Theo kết quả khảo sát mới đây ở Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có tới 44 loài thú (7 bộ và 20 họ) trong đó có 19 loài được ghi trong sách đỏ (IUCN, 1996) và 16 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (Anon, 1992). Bò sát cũng có 34 loài và 19 loài ếch nhái; trong đó có 20 loài nằm trong sách đỏ của IUCN và Việt Nam. Các loài chim cũng khá đa dạng với 172 loài. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Phong Điền những vẻ đẹp kỳ thú, với các loài động, thực vật đa dạng, cùng nhiều nét văn hóa của cộng đồng dân tộc, đang là những thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái. Nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức thì Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền sẽ là điểm đến hứa hẹn có nhiều nét khám phá đối với du khách cũng như bảo tồn được tính đa dạng sinh học của khu vực rừng Trung Trường Sơn nói chung và Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền Phong Điền nói riêng.
Vừa qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đã đi đầu trong việc hợp tác với cộng đồng địa phương quản lý, làm giàu tài nguyên rừng bằng việc xây dựng mô hình làng sinh thái lâm nghiệp tại một số xã vùng đệm của khu bảo tồn. Thay vì chỉ bó gọn các hoạt động ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, mô hình làng sinh thái lâm nghiệp góp phần thúc đẩy tính tích cực, tự giác của người dân địa phương trong việc bảo vệ tài nguyên rừng. Mặt khác, mô hình cũng là nơi để liên kết các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ trong và ngoài nước thỏa thuận, hợp tác xây dựng các xã vùng đệm khu bảo tồn thành một làng sinh thái với một số tiêu chí như: sinh hoạt và sản xuất thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cùng sự phát triển nguồn tài nguyên, nâng cao ý thức và hành vi bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trong vùng.
Tại vùng đệm, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đã xác định một số nhóm định hướng thực hiện để khuyến khích người dân tham gia đồng thời tạo cơ hội cho chính họ nâng cao cuộc sống với một số chủ đề chính như tăng cường công tác giao đất lâm nghiệp với quyền lợi cụ thể, phát triển du lịch sinh thái trong vùng đệm của khu bảo tồn để từ đó có hướng hỗ trợ đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Công tác giao đất lâm nghiệp đang từng bước huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Rừng cộng đồng được thực hiệu theo hướng sâu rộng trong các xã vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế còn hỗ trợ cho cộng đồng những kiến thức, đầu tư cơ sở vật chất phòng cháy chữa cháy rừng, tạo vườn ươm cây giống để phát triển chất lượng rừng cũng như hỗ trợ cộng đồng trong tạo tính pháp lý để thực sự là chủ quản lý sử dụng rừng được giao.../.