Tăng cường kết nối khu vực Mê Công

16:27, 17/10/2016

Từ ngày 24-26/10/2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mê Công lần thứ 7 (ACMECS-7), Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần thứ 8 (CLMV-8) và Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mê Công (WEF–Mê Công). Đây là hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2016.

* Tăng cường hợp tác kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển

 

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mê Công (ACMECS) còn được gọi là Tổ chức chiến lược hợp tác kinh tế (ECS), là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và hợp tác song phương để khai thác, phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách.

 

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mê Công thành lập tháng 11/2003 (tên của 3 dòng sông chính trong lưu vực sông Mê Công). Việt Nam chính thức tham gia tại Hội nghị Bộ trưởng Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mê Công lần thứ 1 tại Thái Lan, tháng 11/2004. Đến nay, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mê Công có 8 lĩnh vực hợp tác gồm: thương mại-đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp-năng lượng; giao thông; du lịch; phát triển nguồn nhân lực; y tế; môi trường, tương ứng với 8 lính vực hợp tác đó là 8 nhóm công tác được thành lập. Mỗi nước điều phối ít nhất 1 lĩnh vực hợp tác trong đó Thái Lan điều phối 2 lĩnh vực là thương mại- đầu tư và y tế. Việt Nam điều phối 2 lĩnh vực là phát triển nguồn nhân lực, công nghiệp-năng lượng và Việt Nam đồng điều phối với Campuchia trong lĩnh vực môi trường. Campuchia điều phối hợp tác du lịch. Lào điều phối hợp tác giao thông và Myanmar điều phối nông nghiệp. Bộ Ngoại giao các nước làm điều phối các bộ, ngành liên quan tham gia hợp tác Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mê Công. Việt Nam thành lập Nhóm công tác liên ngành do Lãnh đạo Bộ Ngoại giao chủ trì, thành viên gồm đại diện của các bộ, ngành liên quan. Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mê Công được tổ chức hai năm một lần theo luân phiên chữ cái tên các nước; đến nay đã qua 6 lần tổ chức. Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya – Mê Công lần thứ 7 sẽ tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 26/10/2016.

 

* Thúc đẩy hội nhập các nước CLMV

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản tháng 12/2003, Tokyo, Nhật Bản, lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) đã nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 1 vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 10 (Viên Chăn, tháng 11/2004). Việc hình thành cơ chế hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mê Công và ASEAN. Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam khởi nguyên từ ý tưởng thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm thúc đẩy hội nhập của các nước này vào tiến trình phát triển chung của khu vực, phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của từng nước. Nhưng mặt khác, đây là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Hơn nữa, hợp tác Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam cũng là diễn đàn để các nước nói trên phối hợp lập trường, góp phần bảo vệ lợi ích của các nước này trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN cũng như giữa ASEAN với đối tác khác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…).

 

6 lĩnh vực hợp tác của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam gồm: Thương mại và đầu tư; nông nghiệp; công nghiệp và năng lượng; giao thông; du lịch và phát triển nguồn nhân lực. Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam tổ chức thường niên, quyết định những vấn đề lớn và định hướng hợp tác. Các nước nhất trí thành lập 6 Nhóm công tác tương ứng với 6 lĩnh vực hợp tác, trong đó Việt Nam điều phối 3 Nhóm công tác (thương mại - đầu tư, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực).

 

Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần 1 thông qua Tuyên bố Viên Chăn về tăng cường hợp tác kinh tế và hội nhập trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Công, ASEAN và khu vực; kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ bốn nước nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.

 

Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 2 thông qua Chương trình hành động nhất trí bốn nước phối hợp với Thái Lan nghiên cứu khả năng kết hợp hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công nhằm tránh trùng lặp và nâng cao hiệu quả hợp tác.

 

Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 3, ghi nhận các thỏa thuận về kết hợp Chương trình hành động Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam, Chương trình hành động Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady- Chao Phraya- Mê Công…


Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 4, nhất trí định hướng thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam, bao gồm thương mại và đầu tư, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, du lịch và phát triển nguồn nhân lực; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và doanh nghiệp các nước vào tiến trình hợp tác.


Hội nghị nhất trí tạo thuận lợi và thúc đẩy doanh nghiệp các nước thành viên hợp tác đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, khoáng sản, thủy điện, phát triển hạ tầng, dịch vụ và logistics... Các nước đánh giá cao Việt Nam thành lập Chương trình Học bổng Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam.


Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 5, nhất trí thông qua Danh sách 16 Dự án ưu tiên của bốn nước và kiến nghị chuyển cho Ban Thư ký ASEAN nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ từ Quỹ Sáng kiến Hội nhập ASEAN và từ các đối tác phát triển khác. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác giữa bốn nước nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước ASEAN.


Hội nghị cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 6 nhất trí về một số định hướng lớn bao gồm: Nâng cao tính khả thi và khả năng vận động nguồn lực qua việc điều chỉnh nội dung 10 dự án còn lại cho sát với các ưu tiên của Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) với nội dung cụ thể, rõ ràng hơn; nâng cao hiệu quả điều phối hợp tác; đẩy mạnh hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, du lịch; tăng cường kết nối thông qua đẩy mạnh hợp tác phát triển các hành lang kinh tế; đẩy mạnh hợp tác phát triển nhân lực.


Hội nghị Cấp cao Campuchia-Lào-Myanmar và Việt Nam lần thứ 7 nhất trí tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa bốn nước.


* Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động


Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế, cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hàng năm, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức nhiều diễn đàn cấp toàn cầu và khu vực, quy tụ các nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các học giả từ khắp thế giới để bàn luận về những vấn đề kinh tế - phát triển và thời sự toàn cầu. Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức vào cuối tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, là nơi trao đổi và phân tích đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.


Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới có quan hệ từ năm 1989. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos và Đông Á. Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Philipp Roesler đã thăm Việt Nam ngày 28/11/2014, ngày 22/7/2015 và ngày 25/4/2016. Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á. Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á 2010 tại Việt Nam diễn ra từ ngày 6 – 7/6/2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã thu hút khoảng 450 đại biểu tham dự gồm các chính khách cấp cao, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo công ty đa quốc gia, học giả hàng đầu thế giới… Việt Nam cũng thường xuyên cử đoàn cấp Thứ trưởng tham dự các Hội nghị khu vực khác của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. Từ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham gia Ban điều phối Dự án “Tương lai của hệ thống sản xuất” của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Hiện tại, Việt Nam có 11 tập đoàn, công ty lớn là thành viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới - Mê Công sẽ mang đến những những ý tưởng sáng tạo và cơ hội hợp tác mới giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp uy tín của khu vực, góp phần thu hút luồng vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường kết nối tại khu vực Mê Công./.