Truyền thống văn hiến, tình yêu Hà Nội và sức vươn của Thủ đô Anh hùng

07:59, 09/10/2016

Trên mảnh đất lắng hồn núi sông ngàn năm, lịch sử đã hun đúc truyền thống văn hiến, anh hùng và bao lần trào dâng cảm xúc hào hùng của chiến thắng khải hoàn. Tinh thần ngày Giải phóng Thủ đô cùng với tình yêu Hà Nội thấm đẫm trong mỗi người dân luôn giúp Ðảng bộ và nhân dân Hà Nội vượt qua khó khăn, cùng đoàn kết, góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.

I. Trong suốt chiều dài ngàn năm văn hiến, ngày 10-10-1954 là mốc son rực rỡ, mở đầu thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Hà Nội văn hiến - anh hùng - hòa bình - hữu nghị trong thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta không thể nào quên thời khắc lịch sử sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân, chia làm nhiều cánh lớn tiến về Hà Nội. Trung đoàn Thủ đô vinh dự giương cao ngọn cờ “Quyết chiến, quyết thắng” dẫn đầu đoàn quân. 62 năm, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng tinh thần của ngày Giải phóng Thủ đô và tình yêu Hà Nội, đã giúp cho Hà Nội có sức vươn mạnh mẽ tiêu biểu cho sức sống của dân tộc.

 

Sau Ngày Giải phóng Thủ đô, với tinh thần tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô đã đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, khắc phục tàn tích từ chế độ cũ, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu kiến thiết thành phố trở thành trung tâm công nghiệp lớn của miền bắc XHCN. Là nơi khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng”, Hà Nội đã vững vàng là thành trì của hậu phương lớn, vừa hết lòng chi viện cho miền nam ruột thịt, vừa anh dũng chiến đấu, chiến thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại, làm nên “Ðiện Biên Phủ trên không”, được ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

 

Bản lĩnh và khí phách Hà Nội tiếp tục được tỏa sáng trong thời kỳ xây dựng đất nước thông qua việc gương mẫu đi đầu trong sự nghiệp đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Kinh tế Hà Nội, từ trạng thái kém phát triển, thu nhập đầu người hằng năm chưa đến 100 USD, 60% số hộ ở diện nghèo đói, đã vươn lên trở thành thành phố phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, thay đổi lớn lao từ tầm vóc, quy mô đến nhịp độ cuộc sống và sự sôi động trong sản xuất, kinh doanh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 3.600 USD và số hộ nghèo chỉ còn 0,96%. Hà Nội đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới với 201 xã đạt chuẩn (chiếm 52% tổng số xã). Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng rõ nét và phát triển không ngừng; công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức và kinh tế xanh được đẩy mạnh. Chính trị ổn định; văn hóa xã hội phát triển; quản lý đô thị có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Trong suốt chiều dài lịch sử, 30 năm thực hiện đường lối đổi mới là giai đoạn Hà Nội đạt tốc độ phát triển nhanh nhất, toàn diện nhất.

 

Thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, từ ngày 1-8-2008, Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, tạo điều kiện để phát triển bền vững, lâu dài. Hà Nội hôm nay mang tầm vóc của một đô thị lớn với diện tích 3.328,9 km2, lớn hơn 3,6 lần trước khi mở rộng; dân số hơn 7 triệu người với 30 quận, huyện, thị xã; chiếm 1% diện tích và 8% dân số cả nước. Ðảng bộ Hà Nội ngày càng lớn mạnh với hơn 400 nghìn đảng viên, gần bằng 10% tổng số đảng viên toàn Ðảng; với 59 đảng bộ trực thuộc và 3.000 tổ chức cơ sở đảng.

 

Từ Ngày Giải phóng Thủ đô đến nay, Hà Nội đã phát triển không ngừng; vị thế, uy tín trên trường quốc tế và trong nước ngày càng được khẳng định. Hà Nội được tôn vinh là “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”; ba lần được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng; được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”…; là điểm đến tin cậy của bạn bè quốc tế; quan hệ hợp tác phát triển giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước đạt kết quả tốt, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô với đất nước.

 

II. Hồi tưởng lại khó khăn, gian lao mà các thế hệ đi trước đã vượt qua, cùng những kỳ tích đã đạt được, chúng ta càng tin tưởng sâu sắc rằng, truyền thống văn hiến và tình yêu Hà Nội đã tạo nên sức vươn mạnh mẽ cho Hà Nội. Ðảng bộ và nhân dân Thủ đô sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2015-2020. Hà Nội sẽ xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; có kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

 

Ðể thực hiện tốt mục tiêu này, Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu trong công cuộc phát triển, chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới trong bước tiến vũ bão của kinh tế tri thức và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ. Phải tiếp tục đổi mới, xây dựng tổ chức đảng từ thành phố đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, phát huy tốt năng lực lãnh đạo và uy tín tập hợp quần chúng. Cùng với đó, tập trung xây dựng chính quyền hành động, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại và phục vụ, có năng lực tổ chức và triển khai hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy các cấp.

 

Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, với quyết tâm hành động cao nhất, phấn đấu thực hiện tốt năm nhiệm vụ chủ yếu, ba khâu đột phá, tám chương trình công tác, hai nghị quyết chuyên đề của Thành ủy. Mỗi cơ quan, tổ chức phải nỗ lực đổi mới lề lối làm việc, giảm bớt thủ tục rườm rà, phá bỏ rào cản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và nhất là không gây phiền hà cho nhân dân. Từng cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thay đổi tư duy, nhận thức. Phải lấy tinh thần chủ động, sáng tạo thay cho sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm. Phải hoàn thành tốt nhiệm vụ để xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Mỗi người dân Thủ đô, bằng tình yêu Hà Nội, tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, chung sức, chung lòng xây dựng Thủ đô.

 

III. Dù đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, Hà Nội chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình. Qua các cuộc làm việc của lãnh đạo Thành ủy với các quận, huyện thời gian qua cho thấy, địa phương nào cũng có những thế mạnh riêng, có những “tài sản” rất quý như truyền thống văn hóa, truyền thống nghề, tài nguyên đất đai, cảnh quan, con người cần cù, sáng tạo… nhưng chưa tạo ra những "điểm nhấn", những đột phá tương xứng với những tiềm năng ấy.

 

Hạ tầng, y tế, giáo dục, cấp nước, môi trường, kinh tế chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Nguồn lực từ ngân sách có hạn, trong khi những nguồn lực khác chưa được khai thác, huy động vì những cản trở về thủ tục hành chính, vì thiếu sự chủ động sáng tạo, chưa dám nghĩ dám làm hay vì tâm lý trông chờ, thiếu nhiệt huyết... Ðể gỡ bỏ được những “hạn chế” về hạ tầng phải bắt đầu từ chính chúng ta. Ðội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt phải mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ dám làm, quyết tâm tìm mọi giải pháp hoàn thành nhiệm vụ.

 

Ðể cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án phát triển, Hà Nội đang cố gắng tạo những điểm nhấn quan trọng cho diện mạo đô thị và nông thôn; cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chín tháng qua, Hà Nội thu hút hơn 2.400 triệu USD (tăng 3,5 lần so với năm 2015), đăng ký thành lập mới 16,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 20% so với năm 2015, trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư. Hà Nội cũng sẽ tiên phong về đầu tư và kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng và chuyên nghiệp. Chính quyền thành phố thực hiện tốt vai trò tạo tiền đề để xây dựng Hà Nội thành thành phố khởi nghiệp với cộng đồng doanh nghiệp, các hộ kinh doanh hoạt động hiệu quả.

 

Về quy hoạch phát triển đô thị, Hà Nội đang theo định hướng phát triển đô thị xanh và sáng tạo, bằng việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, đặc biệt là trong khoa học, quản lý, nghiên cứu và phát triển, hình thành vườn ươm doanh nghiệp hiệu quả. Hà Nội đang nỗ lực cho mục tiêu trồng một triệu cây xanh, ưu tiên cho các hồ điều hòa, công viên; làm sống lại các dòng sông, lấy lại bầu không khí trong lành cho đô thị.

 

Quan tâm phát triển kinh tế, nhưng Hà Nội kiên trì theo định hướng phát triển đô thị xanh, hài hòa, bền vững. Dù phát triển đến đâu, đô thị hóa tới mức nào, Hà Nội nhất định phải giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống, môi trường bình yên và an toàn.

 

Truyền thống ngàn năm văn hiến cần được thấm đẫm trong mỗi hành động, cách ứng xử hằng ngày của người dân Hà Nội. Vì vậy, người dân Thủ đô cần cùng nhau xây dựng hình ảnh đẹp; phê phán và kiên quyết xóa bỏ những hành vi xấu như: vứt rác bừa bãi, chen lấn xô đẩy, vi phạm giao thông, ứng xử thô lỗ… Chúng ta cần cùng nhau hành động để những người yêu Hà Nội lại được cảm nhận nét thanh lịch của văn hóa Tràng An, cũng như phẩm chất cần cù, sáng tạo của văn hóa Xứ Ðoài.

 

* * *

 

Những ngày này, Ðảng bộ và nhân dân Thủ đô đang tích cực, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ do Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 16 đề ra, với niềm tin và khí thế mạnh mẽ. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta luôn tin tưởng rằng khó khăn cũng là cơ hội cho sức vươn lên của Thủ đô.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu... để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta”. Trách nhiệm và sứ mệnh của thế hệ hôm nay trước lịch sử hào hùng của cha ông, trước tương lai tươi sáng của Thăng Long - Hà Nội là phải phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hà Nội, nơi hội tụ của văn hóa Tràng An và Xứ Ðoài, là thành phố khởi nghiệp, đô thị xanh, hiện đại, nơi đáng sống để tỏa sáng những khát vọng vươn lên.