Bộ Công thương vừa cho biết, trong ba năm thực hiện rà soát quy hoạch các dự án thủy điện (DATĐ) theo Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội, Bộ đã phối hợp UBND các tỉnh loại khỏi quy hoạch tám DATĐ bậc thang và 463 DATĐ nhỏ, đồng thời không xem xét quy hoạch 213 vị trí DATĐ tiềm năng.
Có thể nói, đây là một nỗ lực nhằm kiểm soát các công trình thủy điện (CTTĐ), nhất là các DATĐ vừa và nhỏ được ồ ạt cấp phép trước đây, tác động xấu tới môi trường và xã hội. Ngoài ra, trong quá trình thẩm định phê duyệt quy hoạch thủy điện (gồm các DATĐ bậc thang và DATĐ nhỏ), Bộ Công thương và UBND các tỉnh đã đánh giá kỹ các chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật, các tiêu chí về môi trường và xã hội để kiên quyết loại bỏ hoặc điều chỉnh các DATĐ.
So với các công trình nhiệt điện than, khí, thì thủy điện có giá thành rẻ hơn. Các hồ thủy điện góp phần điều tiết nước phục vụ thủy lợi, nuôi trồng thủy sản… Nhưng việc phát triển ồ ạt các DATĐ cũng gây ra những hệ lụy không nhỏ. Đã có nhiều gia đình phải tìm nơi ở mới, nhiều cánh rừng bị mất đi, kéo theo lũ quét và sạt lở đất ở miền núi tăng lên; còn vùng hạ du thì người dân nơm nớp lo các nhà máy thủy điện xả lũ... Thực tế thời gian qua đã có những nhà máy thủy điện như Thủy điện Bắc Hà (Lào Cai), Đác Srông 2A, An Khê - Ka Nak (Gia Lai)… không tuân thủ đúng quy trình xả lũ, gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân. Tuy nhiên, mức đền bù thiệt hại cho người dân cũng như mức phạt đối với các chủ đầu tư còn thấp, cho nên không đủ tác dụng răn đe.
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, kiểm tra nghiêm ngặt các công trình, DATĐ mới cấp phép, và cả các công trình đang xây dựng, hoặc đang vận hành. Những CTTĐ quy mô nhỏ, nhưng quá trình hoạt động đã bộc lộ bất cập về quản lý, vận hành, cần được xem xét thấu đáo, để kiên quyết loại bỏ, hoặc điều chỉnh hợp lý.
Đối với những CTTĐ đã đi vào vận hành, nếu không thực hiện đầy đủ các cam kết về trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng, hoặc trong quá trình hoạt động mà có dấu hiệu tác động xấu môi trường, liên tục gây ra sự cố gây thiệt hại lớn cho người dân thì cần tạm thời đình chỉ hoạt động, hoặc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Các DATĐ đang thi công xây dựng, nhưng lợi dụng làm thủy điện để chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, cần kiên quyết xử lý yêu cầu dừng triển khai. Tăng cường kiểm soát, bảo đảm dòng chảy tối thiểu vào mùa khô để cung cấp nước cho hạ du. Bộ Công thương cần phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan chức năng tiến hành rà soát, sửa đổi và bổ sung các quy trình vận hành xả lũ phù hợp diễn biến thời tiết bất thường hiện nay, nhất là đối với các DATĐ nhỏ đang vận hành.
Những CTTĐ mà năng lực điều hành của chủ đầu tư yếu kém, lại cố tình vi phạm quy định, quy trình về xả lũ, thật sự không bảo đảm lợi ích về kinh tế - xã hội, thì cần phải có chế tài xử lý nghiêm minh, kể cả cho đóng cửa vĩnh viễn trước khi quá muộn.