Ngày 29/11, Hội nghị Môi trường nước Đông Nam Á lần thứ 12 năm 2016 diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, các tổ chức nghiên cứu từ nhiều nơi trên thế giới.
Hội nghị này do Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) khởi xướng từ năm 2003, đã trở thành mạng lưới rất rộng bao gồm các trường đại học trong khu vực, được hỗ trợ từ nhiều tổ chức, đặc biệt là Bộ Môi trường Nhật Bản. Hội nghị năm nay do Trường Đại học xây dựng, Tổng cục Môi trường, Trường Đại học Tokyo, Viện chiến lược Môi trường toàn cầu, Bộ Môi trường Nhật Bản… tổ chức.
Đây là diễn đàn và mạng lưới quan trọng giữa các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các chuyên gia trong khu vực để chia sẻ thông tin và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc quản lý lĩnh vực môi trường nước.
Nội dung chủ yếu được các đại biểu chia sẻ gồm quản lý nước và công nghệ xử lý nước. Các đại biểu quan tâm môi trường nước ven biển và ngoài khơi, ngập lụt đô thị và tác động tới sức khỏe, kiểm soát ô nhiễm nước ngầm nhằm phòng ngừa và giảm tiểu tác động của các ngành công nghiệp; cấp nước và xử lý nước cấp; xử lý và quản lý nước thải; biến đổi khí hậu và quản lý môi trường nước; các vấn đề ô nhiễm mới nổi và công nghệ xử lý môi trường; các công nghệ phù hợp trong xử lý nước và vệ sinh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Việt Nga, Trường Đại học Xây dựng cho biết, đây là diễn đàn thường niên lớn, chia sẻ thông tin nghiên cứu, kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường nước, đặc biệt trong các nước Đông Nam Á. Mặc dù vậy, hội nghị lần này cũng thu hút các nhà khoa học từ châu Âu đến báo cáo các kết quả nghiên cứu mới. Nội dung chủ yếu được đề cập là vấn đề quản lý nước, đặc biệt liên quan đến đánh giá các cơ chế ô nhiễm, nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để xử lý ô nhiễm cũng như cấp nước an toàn, vấn đề nước đặt trong bối cảnh đô thị, đô thị hóa, biến đổi khí hậu để hài hòa và phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Với Việt Nam, các công nghệ xử lý nước vừa tính đến hiệu quả kỹ thuật nhưng cũng đạt yêu cầu về mặt kinh tế, phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như đối tượng được xử lý.
Theo Tiến sĩ Nga, những nghiên cứu về lĩnh vực này được làm tại Việt Nam chưa nhiều, đa số là nghiên cứu của sinh viên Việt Nam thực hiện ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy vậy, đáng chú ý là số lượng các nhà khoa học Việt Nam tham gia ngày càng tăng, chứng tỏ các nhà khoa học trong nước đã dần bắt kịp với chất lượng nghiên cứu tầm khu vực, có giá trị học thuật cao, cũng là điều kiện để các nhà khoa học Việt Nam chia sẻ, lắng nghe những nghiên cứu trong khu vực./.