LUẬT QUY HOẠCH - Cơ sở pháp lý quan trọng trong sự nghiệp đổi mới

14:51, 29/11/2016

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, dự thảo Luật Quy hoạch đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi. Đa số ý kiến cho rằng Luật Quy hoạch rất cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch hiện nay, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của đất nước và đồng thời là công cụ quan trọng trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về định hướng phát triển đất nước; tạo sự thống nhất trong lãnh đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; thể hiện cả nội dung xây dựng, quản lý thực hiện quy hoạch. Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, thực hiện quy hoạch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác quy hoạch cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Nhìn vào bức tranh tổng thể về quy hoạch hiện nay, nhiều chuyên gia chia sẻ: Chúng ta đang “lạm phát” quy hoạch từ quy hoạch ngành nghề, địa phương, sản phẩm...; chất lượng quy hoạch thấp, điều chỉnh liên tục; quy hoạch treo, lãng phí và không khả thi gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, làm phát sinh tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là một số quy hoạch về đất đai, xây dựng, hạ tầng, tài nguyên.

 

Trước kia, cách làm của chúng ta là từng bộ, từng ngành làm quy hoạch riêng của mình để thực hiện chiến lược phát triển các ngành mình quản lý. Về nguyên lý, các bộ ngành chủ quản xây dựng bản quy hoạch phải lấy ý kiến của các bộ ngành khác. Song, trên thực tiễn, sự tham gia ý kiến của các bộ, ngành khác là không đầy đủ, chưa sâu sắc, không có sự tranh luận đến cuối để tìm ra cách sử dụng tối ưu các nguồn lực đất đai, tài nguyên của đất nước, dẫn đến khi thực hiện không tránh khỏi sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các bản quy hoạch. Thực tế triển khai, chạm vào các bản quy hoạch mới thấy sự mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí ngược hẳn nhau. Từ đó dẫn tới nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, kể cả nhà đầu tư doanh nghiệp nhà nước gặp phải tình trạng vừa được phê duyệt, thỏa mãn được quy hoạch của ngành A thì ngành B lại tuýt còi bởi vi phạm quy hoạch của ngành B. Đấy là những câu chuyện lớn về quy hoạch ở mỗi ngành. Còn ngay ở những câu chuyện nho nhỏ, chúng ta có thể bắt gặp ngay trên một tuyến đường đi hàng ngày, có khi hôm qua ngành nước vừa đào bới để lắp ống nước, trả lại hoàn chỉnh mặt đường; ngay hôm sau lại có ngành khác tiếp tục đào bới để sửa đường giao thông hoặc lắp đường điện... Người dân luôn đặt câu hỏi tại sao không có một ngành nào đứng ra quy hoạch tổng thể để cùng làm vừa đỡ tốn kém, người dân lại đỡ khổ... Và còn biết bao nhiêu ví dụ hiển hiện trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày như thế.

 

Bằng rất nhiều nỗ lực của các ngành chức năng suốt 5 năm qua, dự thảo Luật Quy hoạch đã được đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Việc xây dựng dự án Luật bảo đảm quy hoạch trở thành công cụ để quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả; kiến tạo không gian phát triển có tầm nhìn bền vững; tăng cường quản lý nhà nước theo quy hoạch một cách hệ thống trên phạm vi toàn quốc; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với các chiến lược, chủ trương, chính sách khác và giữa các quy hoạch với nhau; tạo nền tảng cho việc khai thác, sử dụng, điều phối hiệu quả các nguồn lực của đất nước; đồng thời ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế của công tác quy hoạch hiện nay.

 

Cả nước ta đã bắt đầu quá trình tái cơ cấu bằng việc chuyển bộ máy quản lý hành chính sang bộ máy kiến tạo, hành động, phục vụ. Muốn kiến tạo thì phải tạo một hành lang thuận lợi cho các thành phần trong nền kinh tế thực hiện. Không thể tiếp tục cải cách mọi việc theo cơ chế xin - cho mà phải bằng cách mở rộng hành lang thông thoáng để các thành phần kinh tế cùng phát triển. Trong đó, bắt đầu là việc đưa các nguồn lực vào nền kinh tế, việc công khai bản quy hoạch là điều hết sức quan trọng.

 

Việc ra đời Luật Quy hoạch sẽ mang lại cơ sở pháp lý phục vụ sự nghiệp đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế, chi phối hệ thống văn bản pháp luật của cả một hệ thống thể chế nên cũng có những phức tạp nhất định, để tạo ra sự đồng thuận là không phải dễ dàng. Kỳ vọng có Luật Quy hoạch với tầm bao quát, điều chỉnh cho mọi đối tượng là mong mỏi chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân.

 

Theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật thì Luật Quy hoạch phải trình Quốc hội 2 kỳ. Kỳ họp vừa qua mới là kỳ đầu tiên báo cáo xin ý kiến Quốc hội. Vì thế, với sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, việc còn nhiều ý kiến khác nhau là điều bình thường. Điều đó thể hiện sự quan tâm, mong muốn của các đại biểu Quốc hội khi Luật được thông qua sẽ hoàn chỉnh hơn.