Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân về an toàn thực phẩm. Hiện nay, an toàn thực phẩm đang là vấn đề rất đáng lo ngại, có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của người tiêu dùng.
* Xâm hại quyền của người tiêu dùng
Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có 3 quyền là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản; quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại đang bị xâm hại và thách thức nghiêm trọng.
Ngay từ khâu sản xuất, tình trạng sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, thuốc kháng sinh ngoài danh mục đã diễn ra từ nhiều năm nhưng chưa có chiều hướng giảm. Tình trạng sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản vẫn gia tăng, khiến dư lượng kháng sinh tồn đọng lớn trong cá tôm, tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc sử dụng phụ gia, phẩm màu không nằm trong danh mục được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp.
Đối với hàng nhập khẩu, các vụ nổi cộm như sữa nhiễm melamine, thực phẩm chức năng giả có nguồn gốc Trung Quốc, thạch rau câu có chứa chất DEHP, hạt trân châu chứa axit maleic có nguồn gốc Đài Loan, thịt bò Úc, Canada hết hạn gần 2 năm, gà thải loại, phủ tạng động vật buôn lậu qua biên giới…
Thông tin, quảng cáo về thực phẩm, đặc biệt về thực phẩm chức năng hiện nay còn thiếu trung thực, gây nhầm lẫn. Nhãn hàng hóa là kênh thông tin quan trọng, nhưng nhiều trường hợp ghi không chính xác. Theo quy định của pháp luật, “hạn sử dụng” là một trong những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn thực phẩm, tuy vậy tình trạng gian lận để tiếp tục đưa thực phẩm hết hạn sử dụng vào lưu thông vẫn xảy ra. Xuất xứ hàng hóa là một trong 3 nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa. Nhưng hàng chục tấn thực phẩm chức năng gồm sữa ong chúa, nhau thai cừu, tảo biển, Glucosamin…xuất xứ Trung Quốc nhưng ghi xuất xứ Úc, Mỹ, Nhật.
Kết quả một cuộc điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hầu hết mẫu thức ăn chăn nuôi có mặt trên thị trường được nhập theo con đường chính thức thông qua các công ty liên doanh với nước ngoài đều chứa sản phẩm biến đổi gen, cụ thể là ngô và đậu tương chuyển gen mà trên nhãn mác không ghi thông báo "thực phẩm biến đổi gen".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu 2 ví dụ cụ thể trong trường hợp đòi bồi thường để thấy dù giá trị không lớn, người tiêu dùng cũng rất gian nan, trường hợp ngộ độc mãn tính thì rõ ràng người tiêu dùng không biết kêu ai. Chẳng hạn vụ 173 người ở Bến Tre bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mỳ kẹp thịt, trong đó 163 người phải nhập viện. Một số ca nặng phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh. May mắn không có trường hợp nào tử vong. Bức xúc trước thái độ thiếu trách nhiệm của nhà cung cấp, người tiêu dùng đã khởi kiện, tuy có người chỉ đòi bồi thường 77.000 đồng, người đòi bồi thường cao nhất trên 10 triệu đồng. Qua 2 lần xét xử sơ thẩm, tòa bác đơn yêu cầu bồi thường với lý do không xuất trình được chứng cứ (hóa đơn mua hàng). Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã vào cuộc ngay từ đầu. Sau hơn 2 năm theo đuổi vụ kiện, cuối cùng, phía người tiêu dùng đã thắng kiện. Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm đã buộc chủ tiệm bánh mỳ Minh Tuyến bồi thường cho 20 nguyên đơn tổng cộng hơn 22 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người tiêu dùng cũng đòi được bồi thường.
* Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính cần có những giải pháp đồng bộ từ phía các cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, cơ quan thực thi; các tổ chức, cá nhân kinh doanh; các tổ chức đoàn thể, xã hội và chính người tiêu dùng.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên chăng cần đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng rộng rãi mô hình khép kín theo chuỗi thực phẩm an toàn, từ sản xuất, chế biến đến cung ứng sản phẩm. Một vòng bắt đầu ngay từ sản xuất, từ khâu đất canh tác, cung cấp giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vận chuyển, bảo quản, chế biến, đóng gói để chuyển đến tay người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tử Cương, Hội Nghề cá Việt Nam (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng cần biên soạn giáo trình cơ bản về an toàn thực phẩm in và phổ cập cho toàn xã hội, từ những kiến thức cơ bản được trang bị người dân mới có thể là người tiêu dùng thông minh; giáo trình đào tạo về an toàn thực phẩm để đào tạo cho các nhóm đối tượng lãnh đạo cơ quan an toàn thực phẩm, cán bộ tác nghiệp về an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp, cơ sở thu mua vận chuyển, hộ kinh doanh cá lẻ. Nhà nước nên quy định cán bộ được tuyển dụng vào làm việc về an toàn thực phẩm bắt buộc phải trải qua khóa đào tạo và thi đạt kết quả mới được bổ nhiệm vào ngạch, bậc quy định.
Để phổ biến, minh bạch thông tin, Việt Nam nên lập trang web gồm 2 nội dung là các doanh nghiệp có chất lượng tốt và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng; các doanh nghiệp vi phạm (danh sách đen, danh sách vàng), người dân có thể truy cập trong mọi thời gian.
Việt Nam nên thành lập một cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm trực thuộc Chính phủ, các Bộ chỉ đảm nhận nhiệm vụ an toàn thực phẩm trong sản xuất. Việt Nam nên áp dụng theo Châu Âu, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền là bảo vệ người tiêu dùng. Một số văn bản cần được bổ sung như quy định chung, quy trình đánh giá công nhận phòng kiểm nghiệm thực phẩm, bao gồm tiêu chuẩn chuyên gia và công nhận chuyên gia theo chuẩn mực quốc tế và cả nước chỉ có 1 hội đồng đánh giá công nhận.
Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tuy đã được nhắc đến thường xuyên hơn ở các phương tiện thông tin đại chúng. Một số người tiêu dùng khi gặp sự cố về chất lượng an toàn thực phẩm đã liên hệ với Hội Bảo vệ người tiêu dùng nhưng tỷ lệ vụ việc được Hội Bảo vệ người tiêu dùng hỗ trợ giải quyết thành công không cao. Bởi vậy, cần tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác giám sát, phản biện chính sách, phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm. Hàng năm, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam dành nguồn lực thích đáng để hỗ trợ Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, các hội nghề nghiệp triển khai các đề tài, dự án phản biện, kiểm tra việc thực thi chính sách về an toàn thực phẩm trong thực tế; là đầu mối đề xuất các chính sách về an toàn thực phẩm với Quốc hội, Chính phủ và các bộ./.