Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương: Nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu trong năm 2016

14:50, 29/12/2016

Bước sang ngày làm việc thứ 2, sáng 29-12, nhiều địa phương và thành viên Chính phủ, các Phó Thủ tướng tiếp tục thảo luận, đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các địa phương và đất nước.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu trách nhiệm, sâu sắc của lãnh đạo 17 địa phương và 20 thành viên Chính phủ tại Hội nghị. Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa, bổ sung đưa vào Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 trình Thủ tướng ký ban hành.

 

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển KT-XH năm 2015 và tạo đà cho việc thực hiện phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị, cá nhân liên quan nỗ lực tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục triển khai quyết liệt có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chiến lược, quy hoạch và chính sách, pháp luật phục vụ phát triển KT-XH đã đề ra. Trong đó, tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp:

 

Thứ nhất là phải kiểm soát tốt lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tập trung xây dựng hạ tầng). Thủ tướng yêu cầuviệc điều hành chính sách tiền tệ phải chủ động, linh hoạt; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực đầu tư công, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường quản lý, đảm bảo phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tạo khung khổ pháp lý đồng bộ cho sản xuất, kinh doanh.

 

Thứ hai: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao. Các địa phương cần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh…

 

Thứ ba: Đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. Thủ tướng cho rằng, tất cả các giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội đều nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, cả nước cần phải tập trung thực hiện tốt 2 chương trình mục tiêu quốc gia, đó là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

 

Thứ tư: Đẩy mạnh xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp. Mặc dù nền hành chính của chúng ta trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, nhưng vẫn còn tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu từ một bộ phận cán bộ công chức và vẫn còn nhiều thủ tục không cần thiết. Do đó, cần phải tiến hành rà soát, bãi bỏ các thủ tục gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; quan tâm thực hiện việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giải quyết các công việc có liên quan.

 

Thứ năm: Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước.

 

Thứ sáu: Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lanh thổ và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Thứ bảy: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sự đồng thuận, tạo sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến một số nội dung khác, đó là tăng cường công tác thông tin, truyền thông; thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo…