Đà tăng trưởng trở lại

10:11, 30/12/2016

Tình hình kinh tế vĩ mô, các chỉ số phát triển và kết quả chủ yếu của nền kinh tế là nội dung chính của cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015 do Tổng cục Thống kê tổ chức mới đây tại Hà Nội. Trong đó, kết quả quan trọng và nổi bật nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2015 đạt mức 6,68% so với năm 2014, cao hơn hẳn mục tiêu 6,2% đề ra từ đầu năm và là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Đây là thành công rất lớn, cho thấy đà tăng trưởng đã trở lại mạnh mẽ sau mấy năm khó khăn vừa qua.

Theo đại diện Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng GDP năm nay cao hơn mức tăng 5,98% trong năm 2014 và 5,42% trong năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Trên thực tế, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, an sinh xã hội được giữ vững. Đặc biệt, mức lạm phát thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Đã xuất hiện một số điểm sáng của nền kinh tế và đây chính là những yếu tố tích cực góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2015. Trước hết, sản xuất công nghiệp đang hồi phục mạnh mẽ, liên tục khiến nhịp độ công nghiệp sôi động, tạo đầu ra cho xuất khẩu và việc làm, nguồn thu cho xã hội. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm nay tăng 9,8% so với năm 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,6% của năm 2014. Các chuyên gia nhận định, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng kinh tế năm 2015. Điểm sáng tiếp theo là tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế và cũng tăng rất thấp, là kỷ lục trong 14 năm trở lại đây. Cụ thể, CPI của cả nước trong tháng 12-2015 chỉ tăng 0,02% so với tháng trước; CPI cả năm 2015 tăng 0,63% so với năm 2014. Giá cả của hầu hết các loại nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất cũng như tiêu dùng ổn định và "đứng" ở mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đời sống KT-XH. Như vậy, các biện pháp ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả trên diện rộng.

 

Kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cũng là một thành công lớn của nền kinh tế năm 2015, với tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm ngoái. Mức giải ngân các dự án ĐTNN cũng đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014. Các chuyên gia cho rằng, việc gia tăng cả về vốn ĐTNN mới đăng ký và giải ngân thể hiện rõ chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Những dự án mới đi vào hoạt động sẽ bổ sung nguồn lực, tạo ra năng lực sản xuất mới, tham gia xuất khẩu và nguồn thu cho đất nước. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng như hình thức quản trị mới sẽ giúp từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 

Năm 2015 cũng chứng kiến sự ra đời của 94.754 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn đăng ký 601 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số DN và tăng 39,1% về vốn đăng ký so với năm ngoái. Số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2014. Như vậy, cộng đồng DN đang trên đà hồi phục và hứa hẹn sẽ vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần nhận diện để khắc phục. Cụ thể như, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 162 tỷ USD, chỉ tăng 8,1% so với kết quả của năm ngoái và đây là mức tăng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (10%), nguyên nhân chủ yếu là do sự mất giá của dầu thô trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách Nhà nước chỉ bằng hơn 97% dự toán năm, chưa đạt yêu cầu đề ra…

 

Sang năm 2016, dự báo nền kinh tế đất nước tiếp tục đứng trước nhiều cơ hội đan xen thách thức, bất lợi. Trong đó, dự kiến GDP đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, mức tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2015 và bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục kiềm chế lạm phát... là những mục tiêu không dễ thực hiện trong bối cảnh giá dầu vẫn có thể ở mức thấp như thời gian qua, thị trường bất động sản còn trầm lắng, có thể điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục và y tế trong khi DN nội địa phải đối phó với các diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, các DN Việt Nam phải đối phó với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ DN nước ngoài. Các DN được khuyến cáo cần tập trung huy động nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, gia tăng sức cạnh tranh nhằm tồn tại và phát triển bền vững…