Vườn quốc gia Cúc Phương, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (SVW) phối hợp cùng Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Hà Nội đã tái thả thành công 54 con Tê tê Java (Manis javanica) quý hiếm tại một địa điểm bí mật. Đây là đợt tái thả Tê tê với số lượng lớn nhất từ trước tới nay, nâng tổng số lên 202 con được Trung tâm này tái thả về tự nhiên trong năm 2016.
Phần lớn những con Tê tê này đã được SVW cứu hộ từ các vụ bắt giữ, vận chuyển trái phép tại các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Thanh Hóa và Hải Dương. Sau khi đưa về Trung tâm, những con Tê tê đều được theo dõi, chăm sóc và phục hồi cho đến khi hoàn toàn khỏe mạnh. Trước ngày tái thả, toàn bộ 54 con Tê tê còn được kiểm tra sức khỏe lần cuối để đảm bảo đủ điều kiện trở về với tự nhiên. Số Tê tê trên cũng được gắn chíp nhận dạng để phục vụ cho công tác nghiên cứu sau này.
Cuối năm thường là thời điểm nóng của các vụ bắt giữ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Nên chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, SVW đã tiếp nhận hơn 200 con Tê tê được chuyển giao từ trung tâm cứu hộ khác và nhiều cơ quan chức năng thuộc các tỉnh, thành phố.
Ông Lương Tất Hùng, Trưởng nhóm Chăm sóc động vật của SVW cho biết: “Một tháng vừa qua, đội ngũ của SVW đã phải tăng ca rất nhiều để đáp ứng được với số lượng lớn Tê tê cần chăm sóc, theo dõi. Việc số lượng lớn Tê tê được tái thả đợt này cũng giúp giảm bớt tình trạng quá tải tại Trung tâm”.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc của SVW: “Nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Kiểm lâm và Cảnh sát môi trường, chúng tôi đã và đang tiếp nhận, cứu hộ được nhiều Tê tê hơn. Sau khi tái thả, chúng tôi sẽ phối kết hợp cùng với lực lượng Kiểm lâm và các tổ chức bảo tồn khác tăng cường công tác bảo vệ môi trường sống, hạn chế tối đa nguy cơ bị bắt trở lại đối với những con Tê tê này”.
Việt Nam có hai loài Tê tê: Tê tê Java (Manis javanica) và Tê tê vàng (Manis pentadactyla). Cả hai loài đều được xếp vào danh sách những loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Mọi hành vi săn bắt, buôn bán đều bị truy tố trách nhiệm hình sự. Trong khi đó cả 8 loài Tê tê trên thế giới đều thuộc Phụ lục I của Công ước quốc tế CITES, cấm buôn bán xuyên quốc gia Tê tê khai thác từ tự nhiên. Vì thế, sử dụng các sản phẩm từ Tê tê là phạm pháp./.