Sau những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã không giữ được nhịp độ phát triển cao, thậm chí lâm vào khó khăn. Tuy nhiên, cùng với sự phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhất là Chính phủ, các địa phương đã có những giải pháp kịp thời hiệu quả trong tái cơ cấu nền kinh tế, siết chặt đầu tư công, kiềm chế lạm phát và áp dụng nhiều cải cách về thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp…
Đồng thời Việt Nam cũng đẩy mạnh đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế mạnh của thế giới. Vì vậy, kinh tế đất nước đã thoát dần khủng hoảng, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, qua đó bảo đảm tăng trưởng kinh tế tiếp tục được phục hồi một cách bền vững.
Theo đánh giá của Chính phủ, tăng trưởng kinh tế năm 2015 ước đạt 6,68%, đạt mức tăng cao nhất trong 8 năm qua. Đây là kết quả đánh giá những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2015. Kết quả này còn là động lực để kinh tế đất nước tiếp tục phục hồi và phát triển trong năm 2016.
Theo nhìn nhận của Uỷ ban giám sát Tài chính quốc gia thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016 sẽ có thể đạt mức từ 6,7- 6,8%. Mức dự báo này được dựa trên những yếu tố sau: Tỷ lệ đầu tư toàn xã hội đạt 31% GDP. Có được điều này là nhờ sự tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ cao hơn, tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước tiếp tục ổn định, cơ hội tăng về đầu tư đến từ việc thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP). Bên cạnh đó việc tái cơ cấu ngân hàng, xử lý tốt nợ xấu và tạo môi trường tài chính lành mạnh cũng sẽ giúp cho việc tạo nguồn vốn đầu tư cho các khu vực kinh tế tư nhân tốt hơn. Việc những hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nền kinh tế được triển khai thực hiện trong năm 2016 cũng sẽ giúp cho nhiều loại hàng hoá của Việt Nam tăng xuất khẩu ra nước ngoài, qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu mạnh hơn so với năm 2015. Việc thực hiện TPP cũng ràng buộc Việt Nam phải đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường sự minh bạch trong quản lý của Nhà nước… từ đó sẽ tạo động lực trong tăng trưởng về dài hạn.
Cũng theo dự báo thì nguồn cung hàng hoá của thế giới trong năm 2016 sẽ tăng, kéo theo nguồn cung hàng hoá nội địa nhiều hơn, giá hàng hoá có xu thế giảm. Cùng với đó, việc ổn định nền kinh tế trong khoảng 3 năm qua và tổng nguồn cung hàng hoá dự báo sẽ tăng trong năm 2016 sẽ là những yếu tố để lạm phát sẽ tiếp tục được kiềm chế và ở mức 3%. Tuy nhiên, về nhập siêu trong năm 2016 sẽ dự báo sẽ cao hơn năm 2015.
Năm 2016, Việt Nam cũng sẽ phải thực hiện việc cắt giảm nhiều loại thuế theo cam kết quốc tế khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do, đồng thời áp lực phải trả nợ công cao, giá dầu dự báo tiếp tục giảm… Vì vậy, việc thu ngân sách Nhà nước cũng sẽ gặp không ít khó khăn, mặc dù tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để siết chặt chi tiêu công, đầu tư có trọng điểm, thực hành các biện pháp tiết kiệm và đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu để bảo đảm chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước theo kế hoạch.