Chiều 18-12, tại T.P Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, do Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam) - đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức. Hội nghị có sự tham dự của Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh Đinh La Thăng; lãnh đạo một số bộ, ngành cùng hơn 500 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã trực tiếp đối thoại với các nhà đầu tư, DN về những vướng mắc trong việc xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Một thực tế hiện nay được nêu ra tại Hội nghị là Việt Nam có hơn 70% dân số làm nông nghiệp nhưng chỉ đóng góp khoảng 20% GDP. Trong khi ở Hà Lan, chỉ có 2-4% dân số làm nông nghiệp nhưng đóng góp tới 40% GDP.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý nghĩa của việc tổ chức hội nghị này của Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, góp phần khuyến khích, thúc đẩy các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, giá trị gia tăng cao.
Trong không khí đối thoại cởi mở, thẳng thắn, các DN dự Hội nghị đã nêu nhiều vấn đề vướng mắc trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đó là vấn đề khó tích tụ ruộng đất để đáp ứng sản xuất quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao; thiếu sự liên kết giữa DN và người nông dân; tiếp cận tín dụng cho các dự án nông nghiệp còn gặp khó khăn…
Tại hội nghị, nhiều doanh nhân thành đạt trong những lĩnh vực kinh doanh khác đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với quy mô đầu tư lớn, bài bản, chuyên nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó phải kể đến ông Vũ Văn Tiền, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco); hay ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty ô tô Trường Hải, muốn đầu tư vào sản xuất lúa gạo.
Trực tiếp đối thoại với các DN tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nông nghiệp là một thế mạnh của nền kinh tế. Thủ tướng cũng đánh giá cao Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam chỉ sau một thời gian ngắn ra đời đã phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sản phẩm của các thành viên đã xuất khẩu sang thị trường thế giới và khu vực. Tuy vậy, với khoảng 300 DN thành viên của Câu lạc bộ hay 4.000 DN nông nghiệp so với 600.000 DN cả nước, thì còn quá ít DN trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, Thủ tướng đã nêu ra những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước để phát triển lực lượng DN nông nghiệp cũng như trả lời câu hỏi của các DN để thúc đẩy ứng dụng công nghiệp trong nông nghiệp.
Đối với vấn đề khó tiếp cận vốn, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra gói tín dụng ưu đãi với quy mô lớn đến 50.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng đầu tư vào sản xuất nông sản sạch và ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp bắt đầu giải ngân từ 1/11/2016.
Tuy nhiên, trực tiếp trao đổi với DN, Thủ tướng khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước phải có một gói tín dụng 50.000 - 60.000 tỷ đồng để phục vụ cho công việc này với cơ chế vay thuận lợi và thông thoáng nhất. Nhưng không chỉ cho một ngân hàng thương mại làm việc này, phải cho nhiều ngân hàng thương mại cùng tham gia. Vì nguyên tắc của kinh tế thị trường là cạnh tranh. Mọi ngân hàng thương mại cổ phần, nhất là 5 ngân hàng thương mại lớn của Nhà nước cần cạnh tranh trong vấn đề này để nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực, chống chi phí không chính thức. Đây là điều Ngân hàng Nhà nước phải chấp thuận".
Đối với khó khăn của DN trong vấn đề tích tụ đất đai để có thể cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã nhận thấy việc cần thiết phải sửa Điều 193 Luật Đất đai 2013 và một số thông tư, quy định của các bộ. Vấn đề này cũng đã được Thủ tướng nêu ra tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi: "Hội nghị này đã nêu lên vấn đề tích tụ ruộng đất hết sức bức xúc cũng như một số thông tư của các bộ, từ Bộ Xây dựng đến Bộ Tài nguyên và Môi trường mà trói buộc sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, thì cần sửa. Đó là Điều 193 Luật Đất đai, Thông tư 23 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hay thông tư của Bộ Xây dựng về vấn đề quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 thì đề nghị các bộ tổng hợp đề xuất Thủ tướng sửa ngay. Những quy định nào quy định trong Luật cần Quốc hội thông qua thì sớm trình Thường vụ Quốc hội để xem xét sửa".
Thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần hình thành các hàng rào kỹ thuật đúng pháp luật của WTO và các hiệp định khác mà Việt Nam tham gia để bảo đảm bảo vệ hàng trong nước, tránh nhập khẩu tràn lan. Cùng với đó là có chính sách hỗ trợ các DN trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất các tư liệu phục vụ nông nghiệp; có biện pháp phát triển DN khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó phải có giải pháp nâng cao chất lượng hợp tác xã, khuyến khích hộ kinh doanh cá thể khu vực nông thôn chuyển sang hoạt động theo mô hình DN.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng nêu một số chủ trương lớn cần thực hiện, đó là hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp dựa trên lợi thế so sánh, tính toán hợp lý để đưa cơ giới hóa cũng như thu hút DN vào nông nghiệp. Chính phủ cũng đang chỉ đạo thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất. Ngoài các nguồn tín dụng, thì cần phát triển một số quỹ hỗ trợ nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, DN nông nghiệp…
Thủ tướng cũng đánh giá cao đề xuất của Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao về đề xuất Mô hình phát triển các Khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao và cho biết Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mô hình này ra đời và phát triển. Cũng tại Hội nghị, Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác và khởi động mô hình thí điểm truy xuất nguồn gốc rau an toàn với T.P Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh.