Ngày 27/12, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Tọa đàm “ Doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào phát triển cùng đất nước” với sự tham gia của đại diện các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào và đại diện một số bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam nhấn mạnh, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách bổ sung, sửa đổi ngày một thông thoáng hơn như: Luật Quốc tịch sửa đổi 2014 cho phép bà con giữ lại và đăng ký trở lại quốc tịch Việt Nam; Luật Đất đai và Luật Nhà ở mới cho phép kiều bào khi nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà và có quyền sử dụng, sở hữu, chuyển đổi như công dân trong nước; Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi tạo thuận lợi tối đa cho môi trường đầu tư kinh doanh, Luật Hải quan và Luật Thuế mới đơn giản hóa thủ tục, tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo thuận cho xuất nhập khẩu và khuyến khích phát triển... Gần đây nhất là Nghị định số 82/2015/NĐ-CP cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nước ngoài là vợ, chồng, con của Người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam được miễn thị thực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam tin tưởng rằng, các doanh nghiệp kiều bào sẽ tiếp tục chung tay cùng doanh nghiệp trong nước vượt qua những thách thức, tận dụng thành công các cơ hội lớn đang mở ra hiện nay để làm ăn ngày càng phát đạt đồng thời đóng góp vào sự phồn vinh của đất nước.
Để tăng cường hiệu quả hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, ông Bùi Đình Dĩnh, Đại sứ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, cần xây dựng một danh bạ, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài trực tuyến, dưới hình thức một trang web. Trong đó danh sách các doanh nghiệp Việt Nam ở cả trong và ngoài nước được phân loại cụ thể theo từng khu vực địa lý, theo ngành hàng và chức năng hoạt động. Thông qua danh bạ trực tuyến, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm đối tác, khách hàng trong và ngoài nước theo nhu cầu của doanh nghiệp mình. Đầu mối quản lý và kiểm soát thông tin ở mỗi nước phải là các Hội doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam cần xây dựng thương hiệu ở nước ngoài, nhất là những mặt hàng có thế mạnh. Do đó rất cần sự vào cuộc của các kiều bào, các hiệp hội doanh nghiệp ở các nước và doanh nghiệp trong nước.
Là tỉnh nằm trong 3 vùng quy hoạch (Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô), Vĩnh phúc đang sở hữu những tiềm năng rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội, thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, trong thời gian qua, tỉnh đã xác định ba khâu đột phá để tạo môi trường đầu tư thuận lợi như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành mong muốn các kiều bào với tư cách là các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giới thiệu bạn bè, đối tác của mình đầu tư vào Vĩnh Phúc. Với phương châm “Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính mình”, tỉnh Vĩnh Phúc cam kết luôn nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư, luôn sát cánh cùng doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu từ sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Thông tin về những dự kiến ưu tiên kêu gọi đầu tư các lĩnh vực cơ bản của thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2020, Hà Nội ưu tiên kêu gọi đầu tư 9 lĩnh vực như: phát triển cơ sở hạ tầng; khu công nghiệp kỹ thuật cao; ngành công nghiệp hỗ trợ; khu công nghệ sinh học, vật liệu mới; lĩnh vực y tế chuyên sâu và một số bệnh viện hiện đại; phát triển cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng; trung tâm thương mại; phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao; các dự án du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, khu đô thị sinh thái.
Cũng theo ông Nguyễn Gia Phương, Hà Nội đã có những cải cách lớn trong chính sách cũng như vận hành, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách tạo ra một môi trường đầu tư tiềm năng, thu hút doanh nghiệp nước ngoài cũng như doanh nghiệp kiều bào về đầu tư kinh doanh trong nước, góp phần vào phát triển kinh tế đất nước.
Nhân dịp này, đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào cũng đã trao đổi nguyện vọng; cập nhật các quy định, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, các chủ trương định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; trao đổi về cải thiện môi trường đầu tư; thu hút đầu tư tại các địa phương.../.