Chiều 30-12, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài Chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước để tổng kết công tác tài chính ngân sách nhà nước năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chỉ đạo Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đại diện lãnh đạo các cơ quan trong khối Tài Chính.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong năm 2015, toàn ngành Tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung phấn đấu thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp mà Chính phủ đề ra, điều hành quyết liệt thu, chi, giữ bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội cho phép. Quản lý nợ công theo hướng từng bước cơ cấu lại, nâng cao tính bền vững. Công tác quản lý, điều hành giá cả đã góp phần tích cực thực hiện kiểm soát lạm phát. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo niềm tin của xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Tính đến ngày 28-12, thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) xấp xỉ 957 nghìn tỷ đồng, đạt 105% dự toán (ước đến 31-12 sẽ vượt 7% so với dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 110,9% dự toán; thu dầu thô đạt 73,1% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 98,2% dự toán. Về chi ngân sách, ước cả năm, hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi 736,5 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN.
Đối với Thái Nguyên, tính đến ngày 28-12, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.093 tỷ đồng, tăng 2.265 tỷ đồng so với dự toán được giao. Trong đó, thu nội địa đạt 5.710 tỷ đồng (vượt 1.710 tỷ đồng so với dự toán); thu xuất nhập khẩu đạt 1.383 tỷ đồng (vượt 555 tỷ đồng so với dự toán). Chi ngân sách dự toán giao 8.269 tỷ đồng, thực hiện được 8.336 tỷ đồng, bằng 101% dự toán.
Năm 2016, ngành Tài chính được giao thu 1.014,5 nghìn tỷ đồng; chi 1.273,2 nghìn tỷ đồng; tổng huy động vốn 409 nghìn tỷ đồng; bội chi ngân sách ở mức 4,95% GDP (giảm 0,05% so với dự toán năm 2015). Để thực hiện được nhiệm vụ này, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số nội dung, như: Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 của Quốc hội; thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tập trung công tác thu NSNN, chủ động xử lý tác động do biến động giá dầu thô; tăng cường công tác quản lý giá, góp phần kiềm chế lạm phát; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, phát triển đồng bộ các loại hình tài chính, thúc đẩy đổi mới khu vực sự nghiệp công lập…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh đề nghị ngành Tài chính cần tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện nhiều hơn để doanh nghiệp phát triển và tháo gỡ khó khăn; quan tâm ổn định kinh tế vĩ mô; phấn đấu thu ngân sách nội địa tăng từ 7-8% so với năm 2015. Cùng với đó, Ngành Tài chính các cấp cần quản lý tốt nguồn chi ngân sách ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm; có các giải pháp phát triển thị trường để huy động nguồn vốn tốt hơn; thúc đẩy việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quan lý của Nhà nước…