Ngày 13/1, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIV tổ chức Phiên giải trình tình hình thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Nghị định 116).
* Động viên kịp thời cán bộ yên tâm công tác
Qua hơn 5 năm thực hiện, nhiều ý kiến đánh giá Nghị định 116 là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, bước cụ thể hóa chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển nguồn nhân lực nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội các vùng đặc biệt khó khăn nói chung, trong đó chủ yếu thuộc địa bàn hơn 2.000 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bãi ngang ven biển.
Việc thực hiện chính sách đã góp phần thu hút hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đến công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở các địa phương, từng bước khắc phục tình trạng thiếu cán bộ kéo dài trong nhiều năm ở nhiều nơi, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác điều động, luân chuyển và bố trí cán bộ của cấp ủy chính quyền của những vùng này. Việc thực hiện chính sách góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng chục vạn đối tượng hưởng lương tại vùng đặc biệt khó khăn, đã khích lệ, động viên kịp thời cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác lâu dài.
Theo báo cáo tổng hợp của 43 tỉnh gửi về Hội đồng Dân tộc và Bộ Nội vụ, giai đoạn từ 2011 - 2015, tổng số đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định 116 là trên 1.616 nghìn lượt người với tổng mức kinh phí thực hiện hơn 24.800 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Nghị định 116 cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định. Phiên giải trình được tổ chức nhằm đánh giá Nghị định 116 của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 để có cơ sở đánh giá những mặt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị định, làm cơ sở đề xuất, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
* Khắc phục chồng chéo, hạn chế, bất cập
Tại Phiên giải trình, nhiều đại diện các Bộ, ngành đã nhấn mạnh việc tồn tại song song 3 Nghị định quy định liên quan đến chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã dẫn tới nhiều bất cập.
Theo đó, Nghị định 116 quy định đối tượng thụ hưởng bao trùm lên rất nhiều đối tượng đã được quy định bởi một số chính sách trước đó, nhưng không bãi bỏ hoặc có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự thống nhất như: Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về Chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện khó khăn; Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức ngành y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số văn bản khác. Điều này dẫn đến việc chi trả ở các địa phương không thống nhất, có nơi bị trùng lắp, mức hưởng cao. Bên cạnh đó là thực trạng trợ cấp thu hút cán bộ, công chức chỉ tập trung cho một số ít đối tượng và một số đối tượng đồng thời cũng hưởng nhiều chính sách như phụ cấp ngành, phụ cấp địa bàn, phụ cấp từ Nghị định 116... dẫn đến tình trạng không công bằng về chế độ chính sách.
Cùng ý kiến với nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng nên tổng hợp để ban hành Nghị định mới hợp nhất các văn bản quy định chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đang công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ các chính sách theo Nghị định 116, Nghị định 64, Nghị định 61... theo hướng quy định rõ ràng, hợp lý về đối tượng, địa bàn, định mức thụ hưởng. Việc ban hành văn bản thống nhất sẽ tránh việc triển khai chính sách chồng chéo, bất cập, chi sai đối tượng, địa bàn.
* Rà soát diện địa bàn thụ hưởng chính sách
Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc, địa bàn thụ thưởng quy định tại Nghị định 116 và hướng dẫn theo Thông tư 08 của liên bộ, Quyết định của Thủ tướng về danh mục các xã thực hiện chương trình 135 giải đoạn 2012 - 2015 không có sự thống nhất và điều chỉnh kịp thời dẫn đến diện thụ hưởng chính sách lớn. Một số địa bàn xã không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn như xã an toàn khu, xã biên giới khu vực I, khu vực II vẫn áp dụng chính sách, dẫn đến ngân sách chi trả hàng năm rất lớn. Từ đó dẫn đến việc áp dụng, triển khai Nghị định 116 trên thực tiễn cũng có nhiều bất cập về địa bàn thụ hưởng chính sách, cụ thể, việc áp dụng mở rộng địa bàn các xã thuộc huyện nghèo 30a không thuộc diện đặc biệt khó khăn, có thể phù hợp với một số xã các tỉnh miền núi, vùng cao khó khăn nhưng lại được áp dụng cho cả các huyện 30a đồng bằng; đối với các xã vùng bãi ngang ven biển, nhiều nơi giao thông đã thuận tiện, gần đường quốc lộ, gần trung tâm huyện lỵ, có nơi đã thành điểm du lịch phát triển vẫn thụ hưởng chính sách. Việc thay đổi danh mục các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn trong giai đoạn cùng với việc thuyên chuyển công tác trước, sau các mốc công nhận cũng dẫn đến các tình huống phức tạp khi thực hiện chính sách. Từ những vướng mắc trong quy định chính sách, một số địa phương chi sai đối tượng, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo xử lý.
Tại Phiên giải trình, các đại biểu đề xuất cần xây dựng các tiêu chí phù hợp, tiến hành rà soát đưa ra khỏi diện địa bàn thụ hưởng chính sách những nơi không còn thực sự cần được hưởng chính sách ưu đãi về thu hút cán bộ để bảo đảm tính hợp lý, công bằng cũng như tiết kiệm ngân sách của nhà nước.Bộ Tài chính cần nghiên cứu chuyển đổi nguồn chi từ việc cắt giảm chi theo Nghị định 116 bổ sung nguồn chi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra cần được tăng cường, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện chính sách để kịp thời đề xuất điều chỉnh, sửa đổi phù hợp; định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để nâng cao hiệu quả chính sách./.