Mất cân bằng giới tính khi sinh có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng dân số

09:37, 08/01/2017

Theo thông tin từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), hiện nay toàn châu Á đang thiếu hụt tới 117 triệu phụ nữ do mất cân bằng giới tính khi sinh - một hậu quả của tình trạng phân biệt giới tính. Tuy không phải là quốc gia đầu tiên đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng thách thức này đang ngày càng tăng lên tại Việt Nam.

Mất cân bằng giới tính khi sinh thường xảy ra ở các quốc gia thực hiện chính sách dân số hạn chế sinh đẻ, gia đình ít con (1-2 con) như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước vùng Trung Á như Azer baijan, Armenia... Những năm 1990, tỷ số giới tính khi sinh của Trung Quốc, Hàn Quốc đã lên tới 115 trẻ trai/100 trẻ gái. Từ năm 2000 đến nay, Hàn Quốc đã cơ bản khống chế được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa dần về quy luật sinh sản tự nhiên trong khi Trung Quốc vẫn tăng đến 122,8 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2010.

 

Báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam tiếp tục tăng và ngày càng lan rộng. Tốc độ tăng tại khu vực nông thôn là 0,6 điểm/năm, cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng cả nước (0,4 điểm/năm). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã xuất hiện tại cả 6/6 vùng kinh tế xã hội của cả nước.

 

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trong 3 tháng đầu năm 2016, số trẻ nam là 116.897 trẻ, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015; số trẻ nữ là 103.079 trẻ, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2015. Ước tính 6 tháng đầu năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái, tăng so với năm 2015 (112,8/100). Ước tính cả năm 2016, chỉ tiêu khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh khó đạt kế hoạch.

 

Các chuyên gia trong lĩnh vực dân số cảnh báo, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng dân số nước ta và kéo theo đó là những hệ lụy cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

 

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và “dư thừa” đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn. Đến năm 2050, số lượng đàn ông Việt Nam ở độ tuổi trưởng thành không có khả năng kết hôn tích lũy lại sẽ là 2,3- 4,3 triệu người. Điều đó sẽ dẫn đến việc tan vỡ cấu trúc gia đình Việt, làm xói mòn nền tảng giá trị đạo đức. Kết hôn sớm, ly hôn, độc thân, bạo hành, bất bình đẳng giới ngày càng gia tăng. Mặc dù không thể kết hôn nhưng họ vẫn có nhu cầu tình dục và sẽ làm gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội bị đe dọa. Đối với những ngành nghề vốn được xem là thích hợp với phụ nữ như giáo viên mầm non, tiểu học, y tế, may mặc… cũng trở lên thiếu vắng nữ lao động.

 

Như vậy, những vấn đề dân số có tác động, hệ lụy lâu dài, có khi từ đời này sang đời khác nếu không có giải pháp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ thì thế hệ tương lai sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.

 

Nghiên cứu hiện tượng mất cân bằng giới tính trong hơn hai thập kỷ qua, các chuyên gia Liên hợp quốc cho rằng: Truyền thống thừa kế của chế độ phụ hệ ở nhiều cộng đồng xã hội, trông cậy vào sự hỗ trợ tài chính của con trai để bảo đảm an sinh khi về già cùng với nghi lễ mai táng chính là tiền đề quan trọng trong các chuẩn mực xã hội, tạo ra sự khác biệt về giá trị giữa trẻ trai so với trẻ gái. Đây cũng chính là gốc rễ của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

 

Để làm giảm thiểu tình trạng này, Liên hợp quốc đã khuyến cáo các nước đang gặp và đối mặt với tình trạng này cần thống kê tin cậy để thấy mức độ nghiêm trọng thực sự của vấn đề, từ đó có những tác động, can thiệp kịp thời. Những số liệu này là bằng chứng cần thiết để xây dựng và điều phối chính sách đúng đắn. Những nguyên tắc về đạo đức nghề nghiệp khi sử dụng công nghệ liên quan đến lựa chọn giới tính cần được xây dựng và ban hành thông qua tổ chức y tế.

 

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ cần được đặt đúng vị trí, bao gồm các giải pháp đảm bảo tăng cường tiếp cận thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục; nâng cao an sinh xã hội; hỗ trợ các gia đình sinh con một bề là gái.

 

Theo ý kiến từ Bộ Y tế, những biện pháp nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu. Bởi những biện pháp này mới chú trọng về kỹ thuật như cấm siêu âm, chẩn đoán giới tính, phá thai lựa chọn giới tính... nhưng tính khả thi không cao. Vì vậy, biện pháp căn bản, cốt lõi là thay đổi tư duy của người dân. Các tỉnh, thành phố cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân hiểu hậu quả của việc mất cân bằng giới tính sẽ ảnh hưởng đến chính gia đình mình như thế nào. Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, các phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi; tăng mức xử phạt đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm.

 

Hiện nay, việc can thiệp của con người nhằm lựa chọn giới tính thai nhi và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn đang diễn ra ở nước ta. Tình trạng lạm dụng khoa học kỹ thuật lựa chọn giới tính khi sinh dù bị cấm nhưng vẫn diễn ra âm thầm. Không những thế, sách hướng dẫn “sinh con theo ý muốn” còn được xuất bản và bày bán công khai. Do đó, về phương diện kỹ thuật, việc siết chặt hoạt động siêu âm giới tính thai nhi là cần thiết, vì nhiều năm qua, quy định đã có nhưng việc giám sát, xử lý còn buông lỏng, nếu có xử lý vẫn chưa nghiêm. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong mọi mặt từ gia đình, xã hội đến chính trị, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.