Trường Sa: Pháo đài kiên trung giữa biển Đông

10:05, 05/01/2017

Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, quân và dân trên đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) luôn đoàn kết, thống nhất, giữ vững niềm tin, chắc tay súng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cùng với đó, các lực lượng trên đảo còn tích cực, chủ động giúp đỡ ngư dân Việt Nam và những người bị nạn trên vùng biển quản lý, tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ hải quân trong lòng nhân dân.

Đảo Trường Sa là hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa và được coi là "thủ đô" của Huyện đảo ở cực Đông của Tổ quốc. Một trong những nhiệm vụ trọng yếu của đảo Trường Sa là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc đảo, khu vực biển được phân công trong mọi tình huống.

 

Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Với đặc thù là đảo nằm cách xa đất liền, điều kiện sinh hoạt và huấn luyện còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống “đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, kiên trì, cảnh giác, giữ vững chủ quyền”, 100% cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn xác định tốt nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ biển, đảo trong mọi tình huống. Để làm tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chỉ huy đảo thường xuyên quán triệt mệnh lệnh công tác quân sự, chỉ thị huấn luyện chiến đấu của cấp trên đến toàn đơn vị. Đảng ủy, chi bộ ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ chiến đấu hàng năm, phát động phong trào thi đua trong huấn luyện. Trên cơ sở đó, đơn vị tổ chức huấn luyện theo kế hoạch, nội dung đề ra. Quá trình huấn luyện chú trọng động tác kỹ - chiến thuật để cán bộ chiến sĩ sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị. Nhờ vậy, đơn vị luôn hoàn thành tốt các nội dung huấn luyện, kết quả kiểm tra bắn đạn thật thường xuyên đạt giỏi, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

 

Những người lính Trường Sa luôn chắc tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quân và dân trên đảo Trường Sa thường xuyên phải đối mặt với hoạt động trinh sát trên không, trên biển của các đối tượng nước ngoài, với nhiều phương tiện, thiết bị, khí tài hiện đại, trinh sát liên tục, tần suất lớn, cường độ cao. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ phải luôn thực hiện nghiêm nề nếp chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; chủ động nắm chắc tình hình trên không, trên biển, không để sót lọt mục tiêu, báo cáo kịp thời, xử lý đúng đối sách, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển trong khu vực đảo quản lý. Những năm qua, đảo đã thực hiện tốt nhiệm vụ quan sát, phát hiện và báo cáo kịp thời các mục tiêu trên không, trên biển về sở chỉ huy các cấp đúng quy định. Riêng năm 2016, các lực lượng của đảo đã quan sát, phát hiện và báo cáo về sở chỉ huy được 21.371 mục tiêu trên không, trên biển. Trong đó, có 13.072 tàu Việt Nam, 103 tàu nước ngoài, 8.196 lần máy bay các loại (gồm máy bay của Việt Nam, máy bay nước ngoài, bay quá cảnh và quốc tế).

 

Để chủ động trong công tác sẵn sàng chiến đấu, cấp uỷ, chỉ huy đảo thường xuyên tiến hành làm tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị tư tưởng cho quân và dân trên đảo, giúp cán bộ chiến sĩ và các lực lượng xác định rõ đối tác, đối tượng, xử lý đúng phương châm tác chiến, đối sách trên biển. Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên đảo chia sẻ: Chúng tôi luôn tập trung giáo dục và quán triệt Nghị quyết của cấp uỷ Đảng các cấp, nhiệm vụ của Quân chủng, vùng 4, Lữ đoàn 146 và nhiệm vụ của đảo. Nhờ vậy, 100%  cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo có ý chí quyết tâm cao không ngại khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

 

Bên cạnh công tác sẵn sàng chiến đấu, một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thiêng liêng của các chiến sĩ đảo Trường Sa đó là công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Công tác này đang được toàn thể cán bộ, chiến sĩ đẩy mạnh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi ra khơi bám biển. Thực tế, nhiều năm qua ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và một số địa phương ven biển Nam Bộ mỗi khi ra khơi đánh bắt xa bờ, bất ngờ có bão, giông, đau ốm, bệnh tật phần nhiều đã đến đảo Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh…

 

Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết thêm: Giữa bốn bề mênh mông sóng nước, các ngư dân khi bị đau ốm, bệnh tật, tai nạn... chỉ còn biết dựa vào bộ đội. Vào mùa đánh bắt hải sản, nhiều ngư dân bị ốm đau, gặp tai nạn trong quá trình câu cá, đánh lưới, lặn sâu bị áp lực nước hoặc thậm chí là đột quỵ, xuất huyết não... hầu hết đều được cán bộ, chiến sĩ trên đảo kịp thời ứng cứu. Những ca bệnh nặng, phức tạp, thì chúng tôi tiến hành cấp cứu ban đầu để ổn định sau đó liên hệ với máy bay của Quân chủng Hải quân đưa vào đất liền điều trị.

 

Những bác sĩ mặc áo lính trên đảo Trường Sa mổ ruột thừa cấp cứu cho ngư dân tỉnh Khánh Hòa.

 

Trong năm 2016, các lực lượng trên đảo Trường Sa đã tiến hành cấp cứu cho 662 trường hợp người dân bị ốm đau, tai nạn; cấp phát thuốc và khám chữa bệnh miễn phí cho 1.159 lượt ngư dân; cung cấp hàng triệu lít nước ngọt; xác nhận cho 6.111 lượt tàu cá theo quy định… qua đó giúp ngư dân thêm yên tâm trong mỗi chuyến vươn khơi bám biển. Một trong những trường hợp cứu hộ, cứu nạn điển hình gần đây mà cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa đã thực hiện đó là vào tháng 6-2016 vừa qua. Khi đó, một tàu đánh bắt cá của 6 ngư dân tỉnh Khánh Hoà gặp sóng to, gió lớn, tàu bị đắm. Nhận tin báo, các lực lượng trên đảo Trường Sa đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, lập tức đưa phương tiện ra biển cứu sống cả 6 người ngư dân an toàn vào đảo và tiến hành vớt tàu đắm giúp ngư dân. Sau khi các ngư dân được đưa lên đảo để chăm sóc ổn định sức khỏe, các chiến sĩ Trường Sa đã cung cấp nước ngọt, lương thực và đưa 6 ngư dân cùng tàu cá trở về bờ an toàn.

 

Trong những ngày ở lại đảo Trường Sa, chúng tôi đã được gặp anh Nguyễn Văn Nam, phụ trách tàu đánh cá mang số hiệu BĐ 950471 của tỉnh Bình Định khi anh cùng các thuyền viên cập cầu cảng Trường Sa để nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Anh Nam cho biết: Tàu chúng tôi ra khơi đánh bắt đã hơn 30 ngày, gặp bão nên phải neo trú tại đảo Đá Lát 2 ngày 2 đêm. Hôm nay, chúng tôi vào Trường Sa để nhờ các anh bộ đội giúp đỡ nhiên liệu, nước ngọt và thức ăn… và xin xác nhận của đảo để được nhận hỗ trợ chính sách theo quy định của Chính phủ. Đây là lần thứ 2, tàu của chúng tôi gặp nạn và được các chiến sĩ trên đảo Trường Sa giúp đỡ tận tình. Chúng tôi biết ơn các anh bộ đội rất nhiều!

 

Có thể thấy, với ý chí quyết tâm và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, các chiến sĩ trên đảo Trường Sa không những ngày đêm canh giữ biển, đảo của Tổ quốc mà còn phát huy những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, trở thành những "cứu tinh" giữa đại dương mênh mông sóng nước. Dù khó khăn đến mấy, vất vả bao nhiêu thì nhân dân cả nước cứ yên tâm, các chiến sĩ trên đảo Trường Sa vẫn sẽ luôn bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.