Tinh giản biên chế là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, được cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan trong hệ thống chính trị đồng tình, nhân dân đồng thuận, hướng đến xây dựng tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị gọn nhẹ, tinh giản những cán bộ không có đủ năng lực, trình độ; giải quyết những công việc của dân ngày càng tốt hơn. Để thực hiện chủ trương này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Quyết định 2218/QĐ-TTg và Nghị định 108/2014/NĐ-CP về thực hiện tinh giản biên chế.
*Tinh giản cho được 10% biên chế
Theo kế hoạch dự kiến đã được các bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Nội vụ, từ năm 2015 đến tháng 6/2017 sẽ tinh giản 22.135 biên chế. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, lấy mốc biên chế được giao từ năm 2015 đến nay thì số tinh giản biên chế này không đạt yêu cầu đề ra là bình quân mỗi năm, bộ, ngành, địa phương phải thực hiện giảm 1,5% biên chế được giao năm 2015.
Chính vì lẽ đó, đầu năm 2017, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc đẩy mạnh chủ trương tinh giản biên chế. Trong Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Đặc biệt tinh giản biên chế phải gắn với việc giảm đầu mối. Đồng thời, phải cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chứ không đơn thuần là giảm số người làm việc trong các cơ quan.
Các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng đề án tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021 và hàng năm phải có kế hoạch cụ thể theo lộ trình để tinh giản. Trên cơ sở đó, những đơn vị, địa phương nào tinh giản chưa đạt tỷ lệ quy định trong thời gian qua thì sắp tới phải nâng tỷ lệ tinh giản biên chế 1,5 -2% mỗi năm, để đến năm 2021, trong toàn hệ thống chính trị tinh giản biên chế phải đạt tối thiểu 10%. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ cũng khuyến khích xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
“Tôi nghĩ đây là chủ trương rất quan trọng và Chính phủ cũng đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, nếu không thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng, Nhà nước”, ông Tân nói.
Để thực hiện lộ trình này, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ hàng năm giao biên chế cho các bộ ngành và địa phương sớm hơn, dự kiến biên chế năm 2018 sẽ được giao vào tháng 9/2017, trước khi Quốc hội họp, để kết hợp với Bộ Tài chính vừa giao biên chế, vừa giao kinh phí. Các địa phương sẽ thực hiện theo số biên chế đã được Trung ương phê duyệt và Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Nội vụ cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành Chỉ thị 02 của Thủ tướng trong việc thực hiện tinh giản biên chế đối với các đơn vị trong hệ thống chính trị và khuyến khích các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập nhiều hơn.
Bộ trưởng Tân cho rằng đẩy mạnh xã hội hóa, giảm được số hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tạo thêm việc làm cho lao động xã hội là vấn đề nên khuyến khích. “Chúng tôi không quá đặt nặng vấn đề tinh giản biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện được việc tự chủ tài chính”, ông Tân cho hay.
* Lập nguồn biên chế dự phòng
Để thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đang trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 41/2012/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, những đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ được chi thường xuyên, chi đầu tư hay còn gọi là tự chủ hoàn toàn, hoặc đã đảm bảo được tự chủ chi thường xuyên thì được chủ động quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức và số người làm việc trong đơn vị. Đối với những đơn vị chỉ tự chủ một phần hoặc chưa thực hiện được quyền tự chủ, Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ phân cấp và ủy quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng các bộ phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu viên chức và số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ trừ trường hợp biên chế trong đơn vị sự nghiệp có tăng thêm thì các địa phương, bộ ngành báo cáo Bộ Nội vụ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Bộ cũng đồng thời trình Thủ tướng cho lập nguồn biên chế dự phòng đối với các địa phương và các bộ, ngành khi thực hiện xã hội hóa và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, được giữ lại 10% biên chế dự phòng. Trong điều kiện tăng thêm trường lớp, tăng thêm giường bệnh, các địa phương chủ động lấy từ nguồn dự phòng mà không cần phải thông qua Bộ Nội vụ và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện đẩy mạnh quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới, Bộ trưởng Tân nhận định.
Ông cũng cho biết Bộ đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ đề án về thực hiện đổi mới về cơ chế quản lý và cơ chế tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Đề án sẽ xoay quanh 5 vấn đề rất quan trọng, đó là đẩy mạnh phân cấp (phân cấp về quản lý và tài chính), đề xuất chuyển từ phí qua giá để các đơn vị sự nghiệp công lập đủ thu đầu vào và hạch toán được đầu ra, đảm bảo hoạt động tự chủ được vấn đề tài chính của mình. Cùng với đó, nghiên cứu từng bước xóa bao cấp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển qua hỗ trợ cho đối tượng hưởng thụ các dịch vụ công lập này, như các hộ nghèo, hộ chính sách… để đảm bảo được sự cạnh tranh giữa các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời đối xử bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp tư để khuyến khích họ cạnh tranh với nhau, đưa đơn vị sự nghiệp công lập nâng cao về chất lượng dịch vụ công, thu hút, giải quyết được việc làm cho xã hội.
Đề án cũng đưa ra vấn đề là phải có quy hoạch định hướng phát triển đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng quy hoạch về tiêu chuẩn, điều kiện để phát triển và theo hướng Nhà nước giảm dần chi cho đơn vị sự nghiệp công lập, tiến tới xã hội hóa và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập./.