Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội - kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam

16:47, 29/03/2017

Sáng 29/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo quốc tế về ''Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội - kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam''. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự, chỉ đạo hội thảo.

*Cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội


Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy: Bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống các chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Những năm gần đây, chính sách bảo hiểm xã hội đã từng bước được hoàn thiện, đạt được những kết quả nhất định, đối tượng tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ngày càng gia tăng. Tính đến hết năm 2016, có trên 13 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hàng năm, có khoảng 4-5 triệu người được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn và khoảng 150 nghìn người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn. Đã có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và bảo hiểm xã hội hàng tháng. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công, đã có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.


Tuy vậy, chính sách bảo hiểm xã hội cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ bảo hiểm xã hội của Việt Nam còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới. Quỹ bảo hiểm xã hội tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Hệ thống các chế độ bảo hiểm xã hội còn chưa đa dạng, linh hoạt nên thiếu hấp dẫn với người dân... Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Trường Giang cho biết: Nguy cơ mất cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội đang dần trở thành hiện thực nếu không có sự điều chỉnh về chính sách. Đến nay mới khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi, tham gia đóng bảo hiểm xã hội, trong khi đó, ở các nước phát triển đạt xấp xỉ trên 90%. Các quy định về mức lương tối đa để đóng bảo hiểm xã hội, mức hưởng lương hưu của Việt Nam cũng có nhiều khác biệt so với nhiều quốc gia khác.


Đơn cử, dù tỷ lệ lương để đóng bảo hiểm xã hội không chênh lệch lớn nhưng một số nước (Đức, Trung Quốc) quy định mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tối đa không quá 2-3 lần tiền lương trung bình của xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế khuyến nghị không quá 10 lần mức lương cơ sở, nhưng ở Việt Nam người lao động có thể đóng bảo hiểm xã hội ở mức lương tối đa gấp 20 lần lương cơ sở (tương đương 6 lần mức lương trung bình của xã hội). Với mức đóng như vậy, ở Trung Quốc người đóng bảo hiểm xã hội liên tục 35 năm được hưởng mức lương hưu tương đương 35% trong vòng 20 năm; ở Đức tỷ lệ này là 30%; ở Việt Nam là 70% trong vòng 25 năm.


Ông Vũ Trường Giang khuyến nghị: Với mức đóng và tỷ lệ hưởng như trên nhưng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang nhanh nhất thế giới đòi hỏi cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ khi các chính sách điều chỉnh bảo hiểm xã hội thường có độ trễ tới 20-30 năm. Đó là, cần xem xét tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, kéo dài thời gian lao động hoặc phải giảm mức lương hưu được hưởng. Nhưng quan trọng không kém là phải tăng nhanh tỷ lệ người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cần giao chỉ tiêu phát triển bảo hiểm xã hội cho địa phương, gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan thuế và bảo hiểm xã hội; đơn giản hóa các quy trình, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội; xây dựng các chính sách linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội để người lao động được tiếp cận các chương trình ưu đãi của Nhà nước, từ đó tạo thói quen tham gia bảo hiểm xã hội.


Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu 50% lực lượng lao động sẽ tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ, tăng tính phù hợp, bền vững về tài chính trong mối tương quan với già hóa dân số và suy thoái kinh tế, các đại biểu dự hội thảo cho rằng cần có một tầm nhìn dài hạn, toàn diện hơn.


*Chính sách bảo hiểm xã hội cần phù hợp với quy luật của thế giới


Cung cấp kinh nghiệm từ các quốc gia, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ rõ: Việc nâng cao tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội là vấn đề khó khăn trên toàn thế giới và thường phụ thuộc vào thu nhập. Các nước thường kết hợp nhiều phương án để tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội từ chính sách đóng bắt buộc đến ưu đãi thuế khuyến khích tiết kiệm cá nhân vì mục đích hưu trí. Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cùng người lao động hoặc trợ cấp bằng tiền, không đòi hỏi đóng góp.


Từ thực tiễn của Việt Nam, nhóm chuyên gia khuyến nghị ưu tiên mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội ở khu vực chính thức để tăng tỷ lệ người tham gia lên 17,8 triệu; tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội ở khu vực tự tạo việc làm, phi chính thức với sự hỗ trợ của Nhà nước; phát triển các chương trình hưu trí bổ sung thông qua mở rộng, tăng mức đóng góp cho các chương trình hưu trí theo nghề và các công cụ tiết kiệm hưu trí tư nhân…


Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội là vấn đề đặt ra từ rất lâu, bởi, chủ trương của Đảng, Nhà nước từ trước đến nay đều đặt mục tiêu chăm lo cho người dân, đặc biệt là đối tượng yếu thế, người có công lên hàng đầu; cần có những thay đổi căn bản trong chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam theo quy luật, xu hướng quốc tế gắn với việc tăng diện bao phủ.


Theo Phó Thủ tướng, để đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, một trong những điều kiện là mức thuế và tỷ lệ đóng bảo hiểm cần thấp đi, trong khi phía người bảo vệ quyền lợi người lao động lại có tiếng nói gần như ngược lại. Đây là những vấn đề cần phải đặt ra, bàn thảo để tìm ra giải pháp hài hòa, bảo đảm công bằng xã hội.


Phó Thủ tướng nhấn mạnh 3 nguyên tắc cần tuân thủ khi thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội ở Việt Nam: phương pháp tiếp cận, giải pháp đề ra vẫn cơ bản, phù hợp với quy luật, xu hướng chung của thế giới; cần tính đến thực tế Việt Nam sẽ là một quốc gia có tình trạng già hóa dân số rất nhanh; cần đồng bộ với tất cả các chính sách về xã hội như giáo dục, y tế bảo đảm bảo các dịch vụ thiết yếu cho mọi người dân.


Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp nghiên cứu, "chuẩn hóa" tất cả những số liệu, khái niệm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội theo đúng khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế, từ đó, đưa ra báo cáo, đánh giá chính xác về tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội ở Việt Nam.


Trong phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thay đổi cách thức giao kế hoạch phát triển bảo hiểm xã hội hàng năm không chỉ theo số thu mà phải đến từng cá nhân cụ thể, những người trực tiếp đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội


Hiện, các cơ quan mới nắm được số liệu chắc chắn về số lao động thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn khoảng 20% chưa đóng phải có các giải pháp rất toàn diện từ vận động, kiểm tra, thanh tra cho đến việc khởi kiện ra tòa doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đây là quyền lợi của người lao động. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế để khắc phục tình trạng này.


Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị - xã hội cần thông tin, phổ biến quy định pháp luật để người lao động biết được quyền lợi của mình về bảo hiểm xã hội, yêu cầu, giám sát, thông tin cho các cơ quan nhà nước về việc tuân thủ của người sử dụng lao động.


Về công tác phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, Phó Thủ tướng nhắc lại nhiều bài học kinh nghiệm khi phát triển bảo hiểm y tế và cho rằng điều quan trọng là cần coi người mua bảo hiểm là khách hàng, từ đó có cơ chế phát triển mạnh mẽ các hình thức để các doanh nghiệp, đại lý cùng tham gia vào vận động bán bảo hiểm tự nguyện. Cùng với đó cần giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển bảo hiểm xã hội gắn với trách nhiệm địa phương.


Nhấn mạnh phát triển bảo hiểm xã hội liên quan đến toàn dân và có tính toàn diện, Phó Thủ tướng khẳng định cần sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội để mọi người dân hiểu được lợi ích rất lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, đảm bảo sự bền vững của hệ thống an sinh xã hội. Ngoài ra, cần cải cách thủ tục hành chính không chỉ trong lĩnh vực bảo hiểm mà cả môi trường đầu tư, kinh doanh và các lĩnh vực khác.../.