Ngày 9-3, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BL,GLTM,HG) năm 2016, sơ kết 2 tháng đầu năm 2017 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên, tham dự có lãnh đạo và các thành viên BCĐ 389 tỉnh, các huyện, thành, thị.
Theo đánh giá của BCĐ 389 Quốc gia, tình hình BL,GLTM,HG trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017 tiếp tục diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến (biên giới, cửa khẩu, tuyến biển, cảng biển, cảng sông, nội địa…). Tình trạng các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại hóa chất, phân bón, phụ gia thực phẩm không bảo đảm, sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản sản phẩm và chăn nuôi cũng diễn biến phức tạp. Song, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cơ quan, lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương nên đã làm tốt nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống BL,GLTM,HG. Năm 2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 223.260 vụ vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015); thu nộp vào ngân sách Nhà nước (NSNN) từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu, công tác thanh, kiểm tra và truy thu thuế là trên 21.556 tỷ đồng (tăng 59,23% so với năm 2015); 2 tháng đầu năm 2017 phát hiện, xử lý hơn 27.320 vụ vi phạm, số tiền thu nộp vào NSNN ước đạt trên 1.647 tỷ đồng. Riêng tại Thái Nguyên, năm 2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 8.110 vụ vi phạm, số tiền nộp NSNN là trên 117 tỷ đồng; 2 tháng đầu năm nay phát hiện, xử lý 617 vụ, số tiền nộp NSNN là 48 tỷ đồng...
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị trong thời gian tới, BCĐ 389 các tỉnh, thành phố cần tiếp tục bám sát, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và BCĐ 389 Quốc gia trong công tác chống BL,GLTM,HG; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các vụ việc vi phạm. Đồng thời, xây dựng cơ chế tăng cường sự phối hợp để ứng phó kịp thời khi có vụ việc phức tạp xảy ra; tích cực tuyên truyền về lĩnh vực này đến nhân dân; chủ động nắm bắt thông tin và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đề xuất giải pháp kịp thời; tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ của từng ngành, địa phương…