Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển dược liệu

15:43, 12/04/2017

Ngày 12-4, tại tỉnh Lào Cai, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về chuyên đề phát triển dược liệu Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chù trì Hội nghị. Các đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã có trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Hiện có khoảng 92 loài cây dược liệu được trồng phục vụ nhu cầu thị trường, một số loài đã quy hoạch vùng trồng lớn như: hồi, quế, hòe, đinh lăng... tập trung tại các tỉnh như Quảng Ninh, Lào Cai, Thanh Hóa. Việc nuôi trồng cây dược liệu góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, vì vậy phát triển dược liệu sẽ là hướng bền vững, ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều địa phương. Nhu cầu tiêu thụ dược liệu, các sản phẩm dược liệu trong nước và xuất khẩu là rất lớn, khoảng 60-80 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, tình trạng khai thác tự phát, sơ chế và quy hoạch còn nhiều hạn chế, dẫn đến thất thoát nhiều nguồn tài nguyên, một số dược liệu có nguy cơ cạn kiệt, hoặc không bảo đảm chất lượng…

 

Hội nghị đã được các đại biểu tham luận nhiều nội dung như: Định hướng phát triển dược liệu; đặc thù tại mỗi địa phương trong phát triển vùng dược liệu; phát triển dược liệu bền vững gắn với phát triển y học cổ truyền; hoạt động phòng chống buôn lậu, hàng giả, kém chất lượng về dược liệu...

 

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế sớm ban hành chính sách đăng ký, lưu hành, kinh doanh, sử dụng với dược liệu nuôi trồng; có cơ chế thuận lợi nhằm khuyến khích phát triển dược liệu. Bộ Nông nghiệp và PTNT cần xây dựng chính sách ưu đãi việc công nhận giống cây dược liệu, vảo tồn nguồn gen và nhân rộng vùng theo quy hoạch. Các ngành, đơn vị liên quan cần tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và người trồng dược liệu; xây dựng bổ sung một số dược liệu, bài thuốc cổ truyền vào danh mục sản phẩm quốc gia; tăng cường quản lý và tích cực tuyên truyền, quảng bá về y học cổ truyền, dược liệu trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.