Kết quả khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) năm 2017 cho thấy, 72% bệnh viện đã xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện hàng năm. Tuy nhiên, việc thực hiện giám sát lại rất thấp.
Nhiễm khuẩn bệnh viện hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là một thách thức, mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Nhiễm khuẩn bệnh viện đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn cầu, nhất là ở các nước chậm phát triển, đang phát triển. Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh và chi phí điều trị cho người bệnh.
Tại Việt Nam, nghiên cứu cắt ngang của Bộ Y tế (2005) trên 9.345 bệnh nhân ở 10 bệnh viện cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8% và bệnh viêm phổi chiếm tỷ lệ cao nhất, lên tới 55,4%. Cũng trong thời gian này, một nghiên cứu khác của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh trên tất cả các bệnh viện công lập cho thấy, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 6,4%; trong đó, viêm phổi cũng đứng hàng đầu, chiếm đến 54,3%, tiếp theo là nhiễm khuẩn tiết niệu (12,3%), nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết (10%)...
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Cục đã khảo sát cắt ngang trên phạm vi toàn quốc bằng bộ câu hỏi gửi tới các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, các sở y tế, y tế ngành các tỉnh, thành phố. Khảo sát được tiến hành từ tháng 2-3/2017, nhằm đánh giá thực trạng tổ chức, nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn bảo đảm thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám chữa bệnh; đồng thời, đánh giá thực trạng thực hiện giám sát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Kết quả cho thấy, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn được thiết lập ở hầu hết các bệnh viện trong toàn quốc, 92,23% bệnh viện có Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn; 88,66% bệnh viện có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn; 72,27% bệnh viện có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng: Dù hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn có ở hầu hết các bệnh viện nhưng chỉ có 35,29% bệnh viện có bộ phận giám sát chuyên trách; 37,39% bệnh viện thực hiện giám sát nhiễm khuẩn trong toàn bệnh viện; 23,84% bệnh viện thực hiện giám sát nhiễm khuẩn với bệnh mới mắc tại các khoa trọng điểm. Tỷ lệ bệnh viện giám sát nhiễm khuẩn với các bệnh trọng điểm (giám sát viêm phổi thở máy, giám sát nhiễm khuẩn huyết, giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu) tăng so với năm 2015 nhưng vẫn là mức thấp. Chỉ có 25,42% bệnh viện thực hiện giám sát vết mổ; 16,46% thực hiện giám sát nhiễm khuẩn thở máy; 12,61% bệnh viện giám sát nhiễm khuẩn huyết và 14,29% thực hiện giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu. Đặc biệt, chỉ có gần 41% bệnh viện thực hiện giám sát vi sinh trong môi trường tại khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm; 13,45% bệnh viện thực hiện giám sát vi sinh vật kháng thuốc...
Để hoạt động giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám chữa bệnh đạt hiệu quả, thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn chuyên môn về giám sát nhiễm khuẩn; phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng, đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo, hỗ trợ 6 bệnh viện (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi đồng 1) từng bước hoàn thiện mô hình bệnh viện mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn, trong đó hoàn thiện hoạt động giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, trước hết là giám sát nhiễm khuẩn huyết và tiết niệu. Đồng thời, ngành Y tế tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho các bệnh viện trong hướng dẫn chuyên môn; tăng cường giám sát, hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện giám sát nhiễm khuẩn; định kỳ đánh giá thực trạng thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện... Từ đó, Bộ Y tế sẽ đưa ra chính sách, văn bản, hướng dẫn chuyên môn phù hợp với từng giai đoạn giám sát nhiễm khuẩn tại bệnh viện.